A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội

Người khuyết tật được Quốc hội ban hành Luật người khuyết tật: Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối với những người khuyết tật sẽ được hưởng các chế độ chính sách, hỗ trợ của nhà nước. Nhưng không phải người khuyết tật nào cũng biết về chế độ chính sách này. Để được hưởng trợ cấp xã hội, người khuyết tật cần phải được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật  đánh giá và thực hiện.

          Nhưng không phải người khuyết tật nào cũng biết về việc đi giám định cũng như thủ tục giám định khuyết tật. Từ thực tế trên, ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm Giám định Y khoa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa những thông tin này đến với đông đảo người dân.

Người khuyết tật có kết luận giám định khuyết tật sẽ được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước

Giám định người  khuyết tật ở đâu?

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật bao gồm các thành viên : Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

Khám giám định mức độ khuyết tật là khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng Giám định y khoa các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 15, Luật Người khuyết tật: Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác. Những trường hợp trên do Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh thực hiện (Trung tâm Giám định Y khoa là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng Giám định Y khoa).

Là bệnh nhân bị ung thử bao tử và đã bị cắt một phần bao tử, ông Lê Văn Bốn (sinh năm 1961), trú tại thôn 12, xã Nhân Cơ (Đăk R’Lấp) được các y, bác sĩ trong quá trình khám và điều trị có hưởng dẫn ông làm hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp. Sau đó, ông đã liên hệ với Trạm y tế nơi cư trú để được hướng dẫn làm hồ sơ. Tuy nhiên, tình trạng của ông, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật nên đã chuyển hồ sơ của ông lên Trung tâm Giám định Y khoa. Ông cho biết, việc bị cắt một phần bao tử cũng gây ảnh hưởng đến ông trong quá trình sinh hoạt hàng ngày và suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến sức lao động. Chính vì vậy, ông mong hồ sơ của mình được xem xét, giải quyết để hỗ trợ một phần những khó khăn trong cuộc sống.

Trung tâm Giám định Y khoa triển khai khám giám định cho người khuyết tật

Giám định khuyết tật cần chuẩn bị gì?

 Hồ sơ khám giám định đối với trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật bao gồm: Giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND xã) nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng cư trú; Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, trong biên bản ghi rõ Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật (bản sao Biên bản); Trường hợp đối tượng sống ở Trung tâm nuôi dưỡng phải có giấy xác nhận, trong giấy xác nhận ghi rõ họ tên, tuổi, dán ảnh đối tượng, đóng dấu giáp lai của Trung tâm và Trung tâm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận đó; Bản sao các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, tật: Giấy ra viện, giấy phẫu thuật và các giấy tờ liên quan khác (nếu có); Biên bản xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng Giám định y khoa lần gần nhất (nếu có).

Trường hợp người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, hồ sơ khám giám định gồm các giấy tờ sau: Giấy giới thiệu của UBND xã nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, trong giấy giới thiệu ghi rõ người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng đang cư trú; Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (bản sao Biên bản); Các giấy tờ theo quy định tại điểm c, điểm d, Khoản 1 Điều 5 – Thông tư 34; Giấy kiến nghị của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật về kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.

Trường hợp có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, không chính xác, hồ sơ khám giám định gồm các giấy tờ sau: Các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 5- Thông tư 34; Bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, không chính xác thể hiện qua biên bản, giấy kiến nghị, ảnh chụp, băng ghi âm hoặc các hình thức thể hiện khác.

Quy trình khám giám định thực hiện theo quy định hiện hành về khám giám định y khoa.

Ông Lê Đình Thu, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa cho biết, ngoài công tác khám giám định người khuyết tật. Trung tâm đã khám, giám định cho các đối tượng như: Hưu trí, Tai nạn lao động, Chất độc hóa học, Tử tuất, Bệnh nghề nghiệp, Bảo hiểm thương mại, Trưng cầu, khám theo yêu cầu…. Hiện nay đối tượng này đến khám với tỷ lệ rất ít.

Để tạo điều kiện cho người dân trong diện hưởng trợ cấp xã hội được khám giám định, Trung tâm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện, thành phố tổ chức tập huấn, tuyên truyền các Thông tư, nghị đinh, các văn bản về người khuyết tật đến tận xã, phường, thị trấn để  cán bộ phụ trách được nắm rõ và người dân được biết. Ngoài ra, thông qua các kênh truyền thông Ngành y tế, mạng xã hội,… Trung tâm cũng tăng cường tuyên truyền rộng rãi cho đến hôm nay tỷ lệ người khuyết tật đến khám giám định ngày một tăng./.


Tác giả: Ngọc Thảo - TTGĐYK

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website