A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết – vai trò của cộng đồng

Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết – vai trò của cộng đồng 19/09/2019 Theo báo cáo ngày 4/7/2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số ca mắc tăng cao tại nhiều quốc gia. Từ đầu năm đến nay, Philippin đã ghi nhận 92.267 trường hợp mắc, trong đó có 398 trường hợp tử vong, số mắc tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Tại Malaysia đã ghi nhận 62.421 trường hợp mắc, trong đó, đã có 93 trường hợp tử vong. Những quốc gia khác như Lao, Singapo, Campuchia, Trung Quốc....đều ghi nhận số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ và đang có diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 10 ca đã tử vong. Riêng địa bàn tỉnh Đăk Nông, tính đến ngày 21/8 đã ghi nhận 3.491 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó, số ca mắc tập trung tại các huyện Cư Jut, Đăk G’Long, Đăk R’Lấp, Krông Nô, Đăk Mil, thị xã Gia Nghĩa. Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn có xu hướng tăng nhanh và diễn biến phức tạp tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Đăk Nông đã tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống sốt xuất huyết như vệ sinh môi trường, đổ bỏ các dụng cụ chứa nước, diệt loăng quăng/bọ gậy, ngủ màn cả ngày lẫn đêm. Tổ chức 74 đợt vệ sinh môi trường và tiến hành 8 đợt phun hóa chất trên diện rộng tại các địa phương có ổ dịch, vùng có nguy cơ. Cấp phát và sử dụng 891 lít hóa chất phun và 300kg hóa chất diệt ấu trùng muỗi cho y tế tuyến cơ sở. Thường xuyên giám sát dịch tễ, giám sát véc tơ truyền bệnh và phân tích dự báo sự phát triển của bệnh truyền nhiễm tại vùng có ổ dịch cũ, vùng xuất hiện ổ dịch nhỏ để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết thích hợp.

Ngành Y tế đã triển khai quyết liệt và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn gia tăng trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đánh giá của ngành y tế, năm nay số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao do đang nằm trong chu kỳ dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết. Mặt khác, sự chủ quan, lơ là của người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng. Một số bộ phận người dân chưa quan tâm đến các hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Người dân chưa chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy, không loại bỏ các vật dụng chứa nước lâu ngày, ngủ không nằm màn…

Tại các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết, cán bộ y tế tổ chức giám sát, điều tra véc tơ truyền bệnh và vận động người dân vệ sinh môi trường để tiến hành phun hóa chất, tuy nhiên, một số bộ phận người dân chưa phối hợp với cán bộ y tế. Một số hộ gia đình từ chối tiếp cận với cán bộ y tế, gây khó khăn trong việc thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nhà ở. Tại các khu vực họp chợ, nhiều tiểu thương chưa chú ý đến vệ sinh môi trường, dẫn đến nước thải ứ đọng tại các khu vực cống, rãnh tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và trưởng thành.

Tại một số vùng có dịch, người dân còn ỷ lại cho các ngành chức năng. Vì vậy, để phòng, chống  và giảm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong thời tới, không chỉ có sự vào cuộc của các ngành chức năng chung tay với ngành Y tế mà còn cần sự hợp tác của người dân.

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay chính là diệt lăng quăng/bọ gậy. Không có lăng quăng/bọ gây không có bệnh sốt xuất huyết, vì vậy, người dân cần vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, tìm và diệt các ổ lăng quăng/ bọ gậy, loại trừ tất cả các vật dụng ứ đọng nước trong và ngoài nhà để triệt tiêu nơi muỗi đẻ trứng. Muỗi sốt xuất huyết thích sinh sống trong môi trường nước sạch như bình hoa, cây cảnh, hòn non bộ, người dân cần để ý thay nước thường xuyên, tránh cho muỗi sốt xuất huyết sinh sản và phát triển. Thả cá vào các bể chứa nước lớn, ngủ màn cả ban ngày.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi người dân có các biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, nôn ói, xuất huyết dưới da, đau bụng...thì cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh. Bệnh sốt xuất huyết nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như chảy máu cam, xuất huyết nặng, suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn tri giác, viêm cơm tim, suy tim và có thể tử vong./.

Xử lý các dụng cụ chứa nước để hạn chế nơi đẻ trứng của muỗi

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website