A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng lây nhiễm corona vi rút phải chú trọng từ nhân viên y tế

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến hết ngày 31/01, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng vi rút corona (nCoV) trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng các ca bệnh với tổng số người mắc lên tới 11.948 trường hợp. Tổng số trường hợp tử vong là 259 người đều thuộc quốc gia Trung Quốc. Số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc là 157 người với 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh bao gồm: Thái Lan, Australia, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Việt Nam, Campuchia, Canada, Đức, Nepan, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Phần Lan, Hồng Kông - Trung Quốc, Macau - Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Mỹ.... Những con số này được cho là sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Ảnh minh họa từ internet

    Tại Việt Nam, đến ngày 01/2 cũng đã ghi nhận 06 trường hợp nhiễm virus corona, trong đó có 2 bệnh nhân người Trung Quốc (1 người đã khỏi) và 3 người Việt Nam đang điều trị tại bệnh viện tỉnh Thanh Hóa và bệnh viện Nhiệt đới TƯ ở Đông Anh (Hà Nội) và 01 nữ lễ tân khách sạn tại Nha Trang.
    Virus corona có thể lây nhiễm qua tiếp xúc giữa người và động vật, giữa người với người. Ở người, virus lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Người bệnh ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm, kể cả việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh trước đó chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt cũng có thể lây bệnh. Đặc biệt, những người chăm sóc bệnh nhân là đối tượng có khả năng bị phơi nhiễm virus corona cao khi chăm sóc bệnh nhân và xử lý các chất thải của người bệnh. Thực tế đã có trường hợp bác sỹ người Trung Quốc bị lây bệnh trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân khiến dư luận hoang mang và và ảnh hưởng đến tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế. Vì vậy, trong điều kiện dịch bệnh hoành hành, lực lượng cán bộ y tế là những người phải được an toàn, đủ sức khỏe để phục vụ người dân, phục vụ bệnh nhân, có như vậy công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh mới được đảm bảo.
    Trước tình hình diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan nhanh của dịch bệnh, Cục quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho nhân viên y tế trong quá trình điều trị, chăm sóc và phòng chống lây nhiễm vi rút corona. Theo đó, các địa phương, đặc biệt các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa cho nhân viên y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý môi trường và chất thải bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt lưu ý việc cung cấp và giám sát sử dụng đầy đủ và đúng cách đối với các phương tiện bảo hộ lao động khi khám và tiếp xúc với người có nguy cơ. Các đơn vị y tế cũng phải tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sử dụng trong y tế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của vi rút corona. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chuyên môn về phòng ngừa lây nhiễm, các đơn vị phải thực hiện đầy đủ các chế độ bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bằng hiện vật cho nhân viên y tế tham gia trực gác, giám sát, điều trị, chăm sóc ca bệnh.
    Khi nhiễm virus corona, người bệnh bị các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên ở mức từ nhẹ tới trung bình, tương tự như chứng cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng biểu hiện gồm: chảy nước mũi, ho, đau họng, đau đầu và sốt. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài ngày. Với những người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi và trẻ em, có khả năng virus corona còn gây các bệnh liên quan đường hô hấp dưới như viêm phổi hay viêm cuống phổi.
    nCoV là bệnh lây qua đường hô hấp. Dấu hiệu của bệnh là sốt, ho, khó thở. Những người đi từ Trung Quốc về hoặc người đi từ vùng dịch về, người có nguy cơ tiếp xúc với người bệnh là những đối tượng cần lưu ý giám sát, phát hiện bệnh. Hiện bệnh không có kháng sinh đặc trị, cách tốt nhất vẫn là nhập viện chăm sóc, theo dõi.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website