UBND tỉnh chỉ đạo hạn chế các hoạt động tập trung góp phần phòng chống dịch corona
UBND tỉnh cũng yêu cầu một số Sở, ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phòng, chống dịch Corona, trong đó Sở Y tế cùng với Sở Công thương thực hiện nghiêm việc chỉ đạo các cơ sở y tế, quầy thuốc, nhà thuốc không được tăng giá bán khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn. Nếu cơ sở/quầy thuốc/nhà thuốc nào tăng giá bán sẽ bị rút giấy phép hoạt động và xử phạt theo quy định của Pháp luật.
Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân hạn chế tham gia hoạt động du xuân, lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, ... tập trung đông người.
Hiện nay, để phòng lây nhiễm dịch nCoV, một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu được Bộ Y tế khuyến cáo là đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải để bảo vệ sức khỏe chính bản thân mỗi người. Đeo khẩu trang đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở mạnh khiến vi rút gây bệnh xâm nhập vào mũi, miệng người lành. Đối với bản thân người nhiễm bệnh, đeo khẩu trang cũng góp phần ngăn ngừa virus và mầm bệnh phát tán, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Xoay quanh việc sử dụng khẩu trang hiện nay cũng đang có nhiều câu hỏi đặt ra, đeo như thế nào thì hiệu quả và cần đeo những lúc nào? Thông thường, thiết kế của khẩu trang y tế thường có 2 lớp với 2 màu đậm, lợt khác nhau để phân biệt mặt trong - ngoài. Phần lớp ngoài (thường có màu đậm) có đặc tính chống thấm, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi… Lớp bên trong thường có màu nhạt hơn nhằm mục đích ngăn bụi bẩn và vi khuẩn. Tất cả các loại khẩu trang y tế đều được thiết kế tạo sự thoáng khí cho người dùng với kết cấu chặt để lọc được bụi và các vi khuẩn cực nhỏ thông qua tiêu chuẩn “hiệu suất lọc khuẩn”. Phần trên khẩu trang thường có gọng cứng ôm sát phần mũi hạn chế khoảng trống giữa mặt và không gian bên ngoài. Do lớp ngoài luôn tiếp xúc với vi khuẩn bụi bẩn, vì thế khi tháo ra đeo lại, tuyệt đối không được đổi chiều lớp ngoài vào trong sát với miệng mũi của mình. Trong điều kiện phòng ngừa dịch bệnh như hiện nay, mỗi người cần thường xuyên thay mới khẩu trang để nâng cao hiệu quả sử dụng.
Tại cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức ngày 31/01, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, hiện nay người dân không nhất thiết cứ phải dùng khẩu trang mọi lúc, mọi nơi mà chỉ cần dùng tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như trong bệnh viện khi tiếp xúc với bệnh nhân, người vừa từ vùng dịch về hoặc chỗ đông người, đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng. Trường hợp không có khẩu trang y tế có thể dùng khẩu trang vải giặt sạch dùng nhiều lần cũng tốt.