A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sinh con tại trạm - tăng niềm tin cho sản phụ tại tuyến y tế cơ sở

Hiện nay, nhiều sản phụ và gia đình có tâm lý lựa chọn các cơ sở y tế tuyến trên để sinh con, bỏ qua trạm Y tế địa phương. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc người dân thiếu niềm tin vào hệ thống y tế cơ sở. Chính vì vậy, các trạm Y tế cần nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng niềm tin cho người dân nói chung và các sản phụ nói riêng trong việc lựa chọn nơi sinh đúng tuyến.

Không sinh tại Trạm – Vì đâu?

Gia đình chị Đ.T.L (xã Nam Đà, huyện Krông Nô) vừa vui mừng chào đón một thành viên mới. Điều đáng nói là mặc dù nhà chỉ cách Trạm Y tế chưa đầy 1km, cách Trung tâm Y tế huyện cũng chỉ hơn 1km nhưng gia đình chị vẫn lựa chọn một bệnh viện tư nhân tại tỉnh Đăk Lăk để sinh con. Khi được hỏi lí do lựa chọn điểm sinh là bệnh viện tuyến trên thuộc tỉnh ngoài, chị L cho biết như vậy để an tâm và đảm bảo an toàn cho con.

Không sinh con tại trạm còn do phong tục tập quán lạc hậu. Ở một số địa phương, một số dân tộc thiểu số vẫn duy trì tập quán sinh con tại nhà. Đơn cử như tại huyện Tuy Đức, năm 2018, tỷ lệ sinh tại cơ sở y tế chỉ đạt 31,5%. Trong đó, xã Đăk Ngo có tỷ lệ sinh tại Trạm chỉ đạt 14,3%. Đây là địa bàn sinh sống của đa số đồng bào dân tộc H’Mông. Phong tục sinh tại nhà đã ăn sâu vào nếp sống và sinh hoạt của đồng bào người H’Mông.

Địa bàn giao thông khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân ít đến trạm Y tế để sinh con. Hiện nay, có một số xã có địa bàn trải dài, khoảng cách từ khu vực dân cư sinh sống đến trạm Y tế khá xa. Hệ thống giao thông chưa được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, hầu hết là đường đất nắng bụi, mưa trơn khiến không ít người dân e ngại khi đến trạm Y tế. Bên cạnh đó, nhiều sản phụ có tâm lý không tin tưởng khi lựa chọn sinh nở tại Trạm Y tế đồng thời việc các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin về những trường hợp tai biến khi sinh càng khiến nhiều sản phụ thêm lo lắng.

Không sinh tại trạm Y tế – Đối mặt và thách thức

Với tâm lý muốn an toàn cho em bé và sản phụ nên nhiều gia đình chọn sinh con ở các cơ sở y tế tuyến trên. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Với những gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp, việc trang trải chi phí cho một ca sinh nở đã khó. Nếu sinh con ở những cơ sở y tế tuyến trên chi phí càng tăng lên nhiều lần. Bên cạnh việc không được hưởng chế độ BHYT đầy đủ theo quy định thì tiền ăn uống, đi lại của sản phụ và người chăm sóc cũng rất tốn kém. Ngoài ra, “sính” bệnh viện tuyến trên còn gây ra tình trạng quá tải, dẫn đến việc thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không đầy đủ.

Sinh con tại nhà sẽ gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe mẹ và con. Trong quá trình đẻ, trường hợp thai bất thường hoặc các vấn đề về tai biến sản khoa có thể xảy ra. Những trường hợp đó buộc phải có cơ sở y tế với đầy đủ trang thiết bị, nhân lực để tiến hành cấp cứu, xử lý kịp thời. Với kinh nghiệm nhiều năm đỡ đẻ tại Trạm Y tế xã Đăk Ngo (Tuy Đức), nữ hộ sinh Phan Thị Thương cho biết, không ít lần chị đã chứng kiến nhiều trường hợp sinh tại nhà gặp các biến chứng. Đơn cử như trường hợp chị Vàng Thị Dơ, trú tại bản Tân Lập, xã Đăk Ngo. Chị mang thai 37 tuần và có dấu hiệu chuyển dạ. Tuy nhiên, gia đình không đưa chị lên Trạm Y tế mà để sinh tại nhà. Sau khi sinh, chị bị ra máu liên tục và rơi vào tình trạng nguy kịch. Gia đình khẩn cấp đưa sản phụ lên Trạm Y tế xã Đăk Ngo cấp cứu. Tại đây, sản phụ được xác định bị băng huyết sau sinh. Nhờ được các y, bác sỹ cấp cứu kịp thời, chị Dơ đã qua cơn tử nạn nhưng là bài học đắt giá cảnh báo tình trạng sinh con tại nhà.

Những năm vừa qua, xã Đăk Ngo (Tuy Đức) đều ghi nhận trường hợp uốn ván sơ sinh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sản phụ sinh con tại nhà và dùng các dụng cụ như tre nứa để cắt rốn cho em bé.

Trạm Y tế hoàn toàn đủ khả năng thực hiện đỡ đẻ

Hiện nay, hầu hết nhân lực của trạm Y tế trên địa bàn tỉnh đã được chuẩn hóa, đảm bảo về số lượng và cơ cấu chuyên môn theo quy định. Cán bộ y tế được đào tạo, đào tạo lại cả về chuyên môn và quản lý y tế. Tất cả các Trạm đều có nữ hộ sinh – người đỡ đẻ trực tiếp cho các sản phụ - được đào tạo chuyên môn đáp ứng việc thực hiện các ca đỡ đẻ thông thường. Quá trình quản lý thai nghén tại trạm Y tế, các thai phụ được cán bộ y tế tư vấn về các nội dung kiến thức tiền sản: Bà mẹ cần chuẩn bị gì trước khi quyết định sinh con; chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động của phụ nữ mang thai... Quá trình sinh nở, nếu sản phụ hoặc em bé gặp phải các sự cố hoặc tại biến vượt khả năng giải quyết thì Trạm sẽ kịp thời chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên để xử lý.

Không chỉ được đầu tư về nhân lực, các trạm Y tế hiện nay còn được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều trạm Y tế đã được đầu tư máy siêu âm hiện đại, gói đỡ đẻ sạch và nhiều dụng cụ, phương tiện phục vụ cuộc đỡ đẻ. Cùng với việc xây dựng trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thời gian tới, đây sẽ trở thành địa chỉ đáng tin cậy của các sản phụ cũng như của người dân trong chăm sóc sức khỏe nói chung.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website