A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bổ sung thêm 4 loại vắc-xin vào chương trình Tiêm chủng mở rộng

Ngày 15/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về Lộ trình tăng số lượng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030. Theo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giai đoạn 2022 - 2030 các loại vắc xin trên khi được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội phòng các bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, đưa vắc-xin phòng bệnh do virus Rota từ năm 2022, vắc-xin phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vắc-xin phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030. Phạm vi và số đối tượng thụ hưởng theo đề xuất của Bộ Y tế. Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, Bộ Y tế quyết định việc có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn.

Những năm trở lại đây, các bệnh ung thư cổ tử cung, phế cầu, cúm, tiêu chảy do virus Rota... đã gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe của người dân, chi phí điều trị các bệnh này cũng rất cao. Tuy vậy, hiện nay vắc xin phòng các bệnh trên vẫn chưa được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện nay, theo giá tiêm chủng dịch vụ, vắc xin Rota của Việt Nam (Rotavin-M1) có giá khoảng 490.000 đồng/liều; vắc xin phòng cúm dao động từ 190.000 - 350.000 đồng/liều; vắc xin phòng ung thư cổ tử cung HPV dịch vụ có giá 850.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/mũi tiêm; vắc xin phế cầu khoảng 1,1 triệu đồng/mũi. Giá này dao động tùy vào loại vắc xin, các dịch vụ kèm theo hoặc phụ thuộc vào điều kiện của từng cơ sở y tế.

Theo Bộ Y tế, việc người dân tiếp cận với các loại vắc xin phòng bệnh trên còn là khoảng trống lớn, do giá thành của các loại vắc xin này còn tương đối cao so với thu nhập trung bình của nhiều người dân. Chưa kể tình trạng thiếu cục bộ vắc xin tại một số thời điểm do thiếu nguồn cung.

Hiện trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đang có 10 loại vắc-xin được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ gồm: Vắc xin BCG, Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh, Vắc xin DPT-VGB-Hib, Vắc xin phòng bại liệt (OPV), Vắc xin phòng bệnh sởi, Vắc xin tiêm nhắc phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DPT), Vắc xin viêm não Nhật Bản, Vắc xin phòng bệnh sởi – Rubella, Vắc xin bại liệt dạng tiêm (IPV), Vắc xin uốn ván.

Theo Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời. Ung thư cổ tử cung là một trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt phụ nữ ở độ tuổi từ 15 – 44, tỉ lệ tử vong vì ung thư cổ tử cung cao thứ 5 so với các loại ung thư khác. Với bệnh do nhiễm phế cầu khuẩn có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, như viêm màng não (viêm hay sưng màng bọc quanh nhu mô não), viêm phổi (nhiễm trùng ở đường hô hấp) và nhiễm trùng huyết (xuất hiện vi khuẩn bất thường trong máu) cho đến những bệnh ít nghiêm trọng hơn nhưng tần suất mắc phải cao hơn, như viêm xoang (nhiễm trùng xoang) hay viêm tai giữa (nhiễm trùng tai giữa).

Như vậy, theo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giai đoạn 2022 - 2030 các loại vắc xin trên khi được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội được phòng các bệnh dễ lây nhiễm.

Việc đưa thêm 4 loại vắc xin vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh, phòng dịch bệnh lây lan (đối với bệnh truyền nhiễm), giảm gánh nặng bệnh tật, áp lực cho cơ sở khám chữa bệnh...


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website