Cần thiết tiêm phòng vắc xin bại liệt
Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã bảo vệ thành công thành quả thanh toán bệnh bại liệt, cứu hàng triệu trẻ em thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Tuy vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi virus bại liệt vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia, nguy cơ bệnh dịch bại liệt quay trở lại là hoàn toàn có thể. Do đó, việc chủ động tiêm phòng vắc xin bại liệt đúng lịch, đủ liều vẫn là cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vắc xin
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), năm 2017, thế giới có 22 trường hợp mắc bệnh bại liệt. Trong 5 tháng đầu năm 2018, số ca mắc bại liệt được ghi nhận đã giảm xuống còn 8 trường hợp (7 trường hợp ở Afghanistan và 1 trường hợp ở Pakistan). Trong khi đó, xu thế giao lưu quốc tế ngày càng gia tăng, nguy cơ lây truyền virus gây bệnh bại liệt vào Việt Nam vẫn còn là vấn đề hiện hữu. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần duy trì tiêm chủng để tạo miễn dịch bảo vệ, quyết liệt phòng bệnh bại liệt cho đến khi căn bệnh này được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.
Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Polio (bại liệt) gây ra. Vi rút bại liệt gồm 3 týp 1, 2 và 3. Sau khi vào cơ thể, virus sẽ xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây nên tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời. Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Ở Mỹ, vào cuối những năm 1940, dịch bệnh bại liệt đã làm tê liệt trung bình hơn 35.000 người mỗi năm. Tại Việt Nam, những năm trước khi có vắc xin, bại liệt trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi, gây ra các vụ dịch lớn vào năm 1957-1959 với tỷ lệ mắc bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân. Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế, ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam là từ năm 1997. Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000.
Vắc xin bại liệt là thành quả của toàn nhân loại, đã được đưa vào sử dụng trên thế giới lần đầu tiên vào năm 1952. 10 năm sau đó, vắc xin bại liệt đường uống Sabin (OPV) được sản xuất thành công tại Việt Nam. Sự có mặt của vắc xin đã góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh bại liệt lên tới 99,9% trên cả 3 chủng vi rút. Sau khi vắc xin bất hoạt và vắc xin sống giảm độc lực được đưa vào sử dụng hiệu quả, bệnh bại liệt đã được kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Số lượng các trường hợp bại liệt trên toàn thế giới đã giảm hơn 99%: từ 350.000 trường hợp vào năm 1988 xuống còn 33 trường hợp vào năm 2018. Tuy vậy, để tích cực phòng bệnh, ngăn chặn nguy cơ bệnh bại liệt quay trở lại bất cứ lúc nào, ngoài việc triển khai công tác tiêm phòng bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi bằng vắc xin đơn, thì các vắc xin phối hợp cũng được nhà sản xuất tích hợp thành phần ngừa bại liệt giúp trẻ phòng bại liệt hiệu quả song song với việc tạo miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Để tiến tới thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, WHO khuyến cáo các nước ngoài việc uống vắc xin bại liệt 2 týp bOPV thì cần bổ sung vắc xin bại liệt tiêm IPV đề củng cố miễn dịch đối với vi rút bại liệt týp 2 và thay thế dần việc sử dụng vắc xin bại liệt uống sang bại liệt tiêm nhằm loại bỏ hoàn toàn vi rút bại liệt có nguồn gốc hoang dại cũng như nguồn gốc từ vắc xin. Đối với các quốc gia đang sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) và triển khai tiêm chủng một mũi vắc xin bại liệt IPV thì việc triển khai tiêm vắc xin IPV liều thứ hai (IPV2) được WHO khuyến nghị là bước tiếp theo đề tiến tới dừng sử dụng vắc xin OPV, đồng thời cũng tạo ra sự bảo vệ cao hơn đối với bại liệt týp 2.