CDC Đắk Nông: Thường trực, giám sát phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ (Mpox) tại các cửa khẩu
Trước tình hình, diễn biến dịch bệnh Đậu mùa khỉ (Mpox) trên thế giới, khu vực, Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh Mpox tại 02 cửa khẩu trên địa bàn. Mục đích của hoạt động này nhằm giám sát chặt chẽ các đối tượng xuất, nhập cảnh, xuất nhập khẩu/trao đổi hàng hóa, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ xâm nhập, lây nhiễm dịch bệnh Mpox tại các cửa khẩu, ngăn chặn và xử lý kịp thời không để dịch bệnh Mpox xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Giám sát, kiểm soát dịch bệnh Mpox xâm nhập qua cửa khẩu
Địa bàn tỉnh Đắk Nông có 02 cửa khẩu là Bu Prăng (Tuy Đức) và Đăk Puer (Đăk Mil). Nếu không làm tốt công tác giám sát, thì 02 cửa khẩu chính là nơi tiềm ẩn nguy cơ để Mpox xâm nhập. Ông Phạm Tăng Hiếu – Trưởng Khoa Kiểm dịch Y tế quốc tế (KDYTQT) - CDC cho biết, trước tình hình diễn biến của Mpox trên thế giới và trong nước, để chủ động phòng chống Mpox tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, Khoa đã chủ động xây dựng Kế hoạch giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên người, phương tiện, hàng hoá (trừ trường hợp hàng hóa quá cảnh mà không bốc dỡ khỏi phương tiện, hàng hóa thuộc diện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong đó, từ ngày 28/10/2024 – 03/12/2024, Khoa KDYTQT cử 02 cán bộ y tế thường trực tại mỗi cửa khẩu, thực hiện giám sát dịch Mpox theo hướng dẫn tại Quyết định số 2565/QĐ-BYT ngày 22/8/2922 của Bộ Y tế về Hướng dẫn về việc ban hành hướng dẫn tạm thời hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; Nghị định 89/2019/NĐ-CP ngày 25/6/2018, và các văn bản hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch Mpox khác của Bộ Y tế, chính quyền địa phương gồm các nội dung: Thu thập thông tin trước khi người, phương tiện vận tải, hàng hóa nhập cảnh; Xử lý thông tin trước khi người, phương tiện vận tải, hàng hóa nhập cảnh; Kiểm tra giấy tờ đối với người, phương tiện vận tải; Kiểm tra thực tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa; Xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa…
Song song với hoạt động giám sát, kiểm soát dịch bệnh, Khoa KDYTQT triển khai hoạt động khử khuẩn môi trường, phun dung dịch chứa Canlci Hypoclorid (nồng độ 70%)/CloraminB 25% khử khuẩn cho các phương tiện có dấu hiệu mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hoặc phương tiện đi về từ vùng dịch. Khử khuẩn định kỳ khu vực cửa khẩu gồm: Khu vực hành chính làm thủ tục xuất, nhập cảnh; bãi tập kết, khu vực pa-ri-e…
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông
Một trong những hoạt động góp phần quan trọng vào sự thành công của công tác phòng chống bệnh Mpox chính là truyền thông. Việc nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những người dân thường xuyên xuất nhập cảnh về công tác phòng chống Mpox sẽ giúp nhận biết các dấu hiệu nhận biết về bệnh, các đường lây lan và biện pháp phòng tránh. Do đó, tại mỗi cửa khẩu, Khoa KDYTQT cử 2 cán bộ kiểm dịch vừa thực hiện giám sát, kiểm soát dịch bệnh, vừa lồng ghép tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống Mpox cho hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; người điều khiển phương tiện vận chuyên hàng hóa xuất nhập khẩu/trao đổi hàng hóa. Tổ chức phát tờ rơi, áp phích tuyên tuyền các biện pháp phòng chống Mpox cho hành khách xuất, nhập cảnh; người điều khiển phương tiện vận chuyên hàng hóa xuất nhập khẩu/trao đổi hàng hóa.
Hiện, Khoa KDYTQT đang chủ trì, phối hợp với bộ phận liên quan của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu triển khai các nội dung liên quan để đảm bảo cho việc thực hiện hoạt động phòng, chống bệnh Mpox tại cửa khẩu; thực hiện các hoạt động giám sát kiểm dịch y tế nhằm phòng, chống dịch bệnh Mpox xâm nhập vào Việt Nam đảm bảo đúng quy trình. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo đơn vị phối hợp với TTYT huyện có cửa khẩu thực hiện việc vận chuyển, thu dung, quản lý và điều trị đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm./.