A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú trọng nâng cao chất lượng sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều năm qua, nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Đăk Nông đã đạt được những thành tựu quan trọng. Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ và trẻ em như tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ≥ 4 lần trở lên trong 3 thời kỳ; Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ có kỹ năng đỡ đẻ; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế; tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu… trên địa bàn tỉnh nói chung, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cải thiện sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em do Tổ chức Y tế thế giới đề ra, công tác này vẫn còn là thách thức đối với ngành Y tế tỉnh nhà, đặc biệt tại những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ y tế "lội suối trèo đèo" vào tận nhà dân tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em huyện Đắk G'Long​

Đơn cử như huyện Tuy Đức là huyện biên giới với 23 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43,23% dân số toàn huyện; gần 40% hộ gia đình trong diện nghèo, đời sống kinh tế xã hội vô cùng khó khăn dẫn đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe chủ động của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế. Dù được Đảng, Nhà nước quan tâm ưu tiên dành nhiều nguồn lực, chính sách đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều chính sách về y tế, nhưng trong thời gian ngắn vẫn chưa đủ làm thay đổi diện mạo, tình hình xã hội nơi đây. Nhiều năm liền, tại một số vùng của huyện nghèo này vẫn là điểm nóng về vấn đề sức khỏe, dịch bệnh của toàn tỉnh.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông, trong 05 năm (từ 2017-2023), toàn tỉnh có 26 trường hợp mắc uốn ván sơ sinh (UVSS), trong đó có 5 trường hợp tử vong. Huyện Tuy Đức được xem là điểm nóng về uốn ván sơ sinh khi có 07/26 trường hợp mắc bệnh. Tại đây số ca bệnh tập trung chủ yếu tại địa bàn xã Đăk Ngo với 06 ca mắc trong đó có 04 trường hợp tử vong. Toàn xã Đăk Ngo có 13 thôn/bản với 206 hộ dân thuộc 22 dân tộc cùng sinh sống, nhiều nhất là đồng bào H’Mông chiếm gần 50% dân số toàn xã. Bản xa nhất cách trung tâm xã hơn 20km trong đó hơn một nữa là đường đất lầy lội, mùa mưa hầu như không thể đi lại vì bùn đất trơn trượt, ngập lún. Vì đường đi khó khăn, hầu hết phụ nữ có thai đến kỳ sinh nở đều đẻ con tại nhà và do bà mụ vườn hoặc mẹ đẻ, mẹ chồng đỡ đẻ. Hàng năm chỉ khoảng 60% phụ nữ mang thai tham gia tiêm chủng vắc xin phòng uốn ván mặc dù cán bộ y tế và chính quyền địa phương đã thường xuyên vận động, nhắc nhở. Ca tử vong do uốn ván sơ sinh tại nơi này gần đây nhất là thời điểm tháng 10/2023, và đây cũng là hậu quả của một trường hợp sinh con tại nhà của sản phụ. Nạn nhân là bé gái 10 ngày tuổi người dân tộc H’Mông được sinh ra từ bà mẹ trẻ kết hôn lúc 16 tuổi. Bản thân gia đình bệnh nhi đều là người H’Mông di cư tự do từ tỉnh Điện Biên vào xã Đăk Ngo năm 2007, đời sống không ổn định, làm thuê kiếm sống qua ngày, điều kiện kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Bệnh nhi được mẹ sinh ra tại nhà do bà nội đỡ đẻ, được cắt rốn, cột rốn bằng kéo và sợi chỉ khâu quần áo chưa vô khuẩn và không băng rốn. Trong 07 ngày đầu sau sinh, bệnh nhi bú tốt, da hồng hào, ngày thứ 8 trở đi trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng quấy khóc, sốt, bú ít sau đó bỏ bú hoàn toàn, người gồng cứng tay chân và được gia đình đưa vào bệnh viện. Sau khi nhập viện 07 ngày bệnh nhân đã không qua khỏi và tử vong với chẩn đoán mắc uốn ván sơ sinh. Kết quả điều tra, khảo cứu cho thấy, quá trình mang thai, mẹ của bệnh nhi không tham gia tiêm chủng vắc xin phòng uốn ván mặc dù đã được cán bộ y tế thông báo lịch tiêm và vận động đi tiêm chủng.

Trường hợp bệnh nhi nói trên chỉ là một trong nhiều ca uốn ván sơ sinh mà hậu quả đều chung một nguyên nhân như sinh con không có cán bộ y tế đỡ đẻ; không tham gia khám thai tại cơ sở y tế; không tiêm phòng uốn ván đầy đủ trong quá trình mang thai … Chính những điều này dẫn đến thực trạng nhức nhối kéo dài qua nhiều năm tại tỉnh Đăk Nông đó là tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi còn cao. Xác định thực trạng đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật – đầu mối thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện tình trạng tiến tới hoàn thành chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn.

Đặc biệt, trong 02 năm gần đây, với sự đầu tư nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều hoạt động liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em đã được tập trung thực hiện tại những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số 02 huyện Đăk Glong và Tuy Đức.

Các hoạt động định kỳ được ưu tiên triển khai hàng năm tại 02 huyện này nhằm nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản như: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến huyện, xã về “Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi”; tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng truyền thông về công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em cho đội ngũ cô đỡ thôn bon; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến huyện, xã về xét nghiệm Protein niệu, sàng lọc HIV, viêm gan B, Giang mai; đào tạo cho cán bộ về hồi sức sơ sinh, hỗ trợ trẻ thở, hồi sức sơ sinh tại phòng sinh cho bác sỹ, hộ sinh trạm Y tế xã/ phường; đào tạo cho cán bộ tuyến huyện về chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ, sau mổ lấy thai. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật còn chú trọng đến công tác truyền thông, vận động nâng cao nhận thức cán bộ, nhân dân về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản thông qua các lớp tập huấn đào tạo truyền thông thay đổi hành vi về làm mẹ an toàn cho cán bộ các đoàn thể xã hội, cán bộ thôn bon;  tổ chức các đợt truyền thông tại cộng đồng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ về chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh; tổ chức Lễ phát động Tuần lễ làm mẹ an toàn cấp tỉnh nhằm lan tỏa và kêu gọi sự ủng hộ, đồng lòng của chính quyền và nhân dân trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn phải đối mặt, trong đó rào cản về phong tục tập quán lạc hậu, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn là nguyên nhân chính tạo ra sự thiếu hụt trong thụ hưởng dịch vụ, nhưng với những nỗ lực của ngành Y tế và của toàn hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, sức khỏe bà mẹ trẻ em nói riêng trong thời gian tới sẽ khởi sắc, đáp ứng kỳ vọng về mục tiêu đảm bảo công bằng trong chăm sóc và thụ hưởng chất lượng dịch vụ y tế mà các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.

 


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website