Chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa về chăm sóc sức khỏe thiết yếu
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại.
Đắk Nông là vùng đất sinh sống từ ngàn đời của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời cũng là vùng đất quần tụ của cư dân từ nhiều vùng miền về sinh cơ, lập nghiệp nên đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng cũng vô cùng phong phú. Chính vì vị trí địa lý và phong tục tập quán không đồng nhất nên nhận thức về vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân giữa các vùng miền vẫn còn nhiều chênh lệch. Đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, người dân thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe khoa học.
Xác định rõ vấn đề, ngành Y tế tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực thực hiện đồng bộ, đa dạng các hoạt động truyền thông, kết hợp với triển khai các nhiệm vụ chuyên môn nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, đúng cách.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, đội ngũ cán bộ đã không ngừng nắm bắt chủ trương, bám sát đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề y tế để truyền đạt cho người dân, trong đó, chú trọng nội dung, cách thức tuyên truyền đối với từng đối tượng theo hướng ngắn, gọn, dễ hiễu, dễ làm; lựa chọn những vấn đề sát với đời sống thực tiễn của người dân.
Trong công tác truyền thông thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai trên nhiều kênh và nhiều hình thức. Thực hiện phóng sự tuyên truyền phổ biến kiến thức phát trên hệ thống phát thanh- truyền hình tỉnh, huyện nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp các ngành và nhân dân trong việc thực thi các chủ trương, chính sách về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân trên địa bàn toàn tỉnh; Phối hợp với Báo Đắk Nông đăng tải chuyên trang tuyên truyền kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra đơn vị còn tổ chức tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của ngành; Phát thanh trên đài truyền thanh huyện/thành phố, hệ thống phát thanh xã/phường/thị trấn về nội dung giáo dục dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; Tư vấn, thăm hộ gia đình bà mẹ có con < 5 tuổi suy dinh dưỡng và phụ nữ mang thai; Tư vấn lồng ghép trong khi khám thai, thăm hộ gia đình, trong các đợt tiêm chủng; In ấn và cấp phát tài liệu tuyên truyền với nhiều chủ đề khác nhau như chăm sóc dinh dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ, ăn ở hợp vệ sinh môi trường …
Đặc biệt, mang lại hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng là các lễ phát động, như Lễ phát động Tuần Lễ Làm mẹ an toàn. Lễ được tổ chức tại địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức thu hút sự quan tâm tham dự của lãnh đạo chính quyền và các ban, ngành đoàn thể cùng đông đảo cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các em học sinh trên địa bàn. Thông qua lễ phát động, ban tổ chức đã phổ biến rộng rãi trong cộng đồng các chủ trương, chính sách về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhờ nỗ lực triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi mà nhận thức, hiểu biết của người dân tại những vùng dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em những năm qua đã có những khởi sắc. Tỷ lệ phụ nữ có thai tại xã khu vực 3 (KV3) biết được ít nhất 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ mang thai, 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh, 3 dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh năm 2023 là 76,3% đến năm 2024 ước tính đạt 85%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai tại xã KV3 được tiếp cận ít nhất 1 loại tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đạt 100%. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế năm 2021 là 92%, đến 2024 là 97%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ năm 2021 là 39% đến 2024 là 62,3%...
Với những kết quả đạt được cùng những nỗ lực trong thời gian tới, chúng ta tin tưởng công tác y tế nói chung, hoạt động các chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực y tế sẽ đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, góp phần rút ngắn khoảng cách, xóa bỏ chênh lệch giữa các vùng miền, đem dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến tận người dân các vùng sâu, vùng xa từ đó nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà.