A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh

Chương trình Tiêm chủng mở rộng toàn cầu do Tố chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, thành lập vào năm 1974 nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin công bằng để bảo vệ, cứu sống trẻ em trên toàn cầu. Từ khi thành lập, vắc xin phòng 06 bệnh bao gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi đã được triển khai trong Chương trình TCMR trên toàn cầu. Đến nay, vắc xin phòng 13 bệnh gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, Hib, Viêm gan B, Bại liệt, Rubella, Phế cầu, tiêu chảy do Rota, HPV đã được triển khai trong Chương trình TCMR ở các quốc gia. Chương trình TCMR toàn cầu đã giúp giảm 80% tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cứu sống hơn 01 tỷ người trên thế giới; loại trừ bệnh đậu mùa và gần như loại trừ bệnh bại liệt.

Tổ chức tiêm bù mũi cho trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn TP.Gia Nghĩa

Tuần lễ tiêm chủng thế giới hàng năm là sáng kiến do WHO phát động, diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 4 hàng năm nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 diễn ra từ ngày 24-30/4/2024 cùng với thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập Chương trình TCMR toàn cầu. Đây là dịp để tôn vinh thành tựu của TCMR, nêu bật tác động của Chương trình TCMR trong cứu sống, bảo vệ sức khỏe con người, thúc đẩy sáng kiến đổi mới nhằm tăng cường công tác tiêm chủng.

Chương trình TCMR tại Việt Nam được triển khai rộng khắp trên cả nước trong gần 40 năm qua cho các đối tượng ưu tiên là trẻ em và phụ nữ. Hiện nay có 10 bệnh truyền nhiễm gồm Lao, Bạch hầu, Ho gà, uốn ván, Sởi, Bại liệt, Viêm gan B, Viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, Viêm não Nhật Bản B, rubella được triển khai trong TCMR. Kết quả của TCMR đã góp phần quan trọng trong thành quả Thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, giảm rõ rệt tỷ lệ các bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Tại Việt Nam, từ năm 2020 – 2023 tỷ lệ tiêm chủng vắc xin chưa đạt theo kế hoạch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và khó khăn trong cung ứng vắc xin, ước tính khoảng 700.000 – 900.000 trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng đến những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được.

Tuần lễ tiêm chủng tại Việt Nam lần đầu tiên được Bộ Y tế tổ chức vào năm 2011 tại Phú Thọ và được duy trì từ đó đến nay với sự chủ trì của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Y tế. Năm 2024, Việt Nam hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” với chủ đề “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh”

Nhằm hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2024, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tăng cường tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ; tiếp tục tổ chức tiêm chủng thường xuyên đảm bảo đạt tỷ lệ, an toàn, hiệu quả. Hoạt động nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở mầm non, tiểu học, tăng tỷ lệ miễn dịch và phòng bệnh trong cộng đồng.

Vắc xin rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm. Vắc xin có thể giúp bảo vệ con người khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, cúm, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng máu do vi khuẩn phế cầu, phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp, ung thư cổ tử cung,… Trải qua hơn hai thế kỷ, nhờ vắc xin hàng tỷ người đã được kéo dài tuổi thọ. Những người cao tuổi được tiêm vắc-xin cúm sẽ giảm 20% nguy cơ tim mạch, tai biến mạch máu não và giảm 50% tử vong do các nguyên nhân khác. Mặc dù vắc-xin không phải là giải pháp cho mọi vấn đề nhưng sự phát triển của vắc-xin sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với một thế giới không còn bệnh lao, ung thư cổ tử cung, viêm não Nhật Bản, quai bị, sởi,…


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website