A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phòng chống bệnh Dại tại tỉnh Đăk Nông

Tình hình bệnh Dại trên người tại Việt Nam

Năm 2021, cả nước ghi nhận 53 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại 28 tỉnh, thành phố (giảm 25 trường hợp so với năm 2020). Tổng số người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng là 531.204 người. Các tỉnh miền Nam có số người tử vong do bệnh Dại cao nhất trong cả nước, chiếm 42,8%. Các tỉnh miền Bắc chiếm 38,0%. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên 11,9%. Các tỉnh miền Trung có số ca tử vong thấp nhất cả nước, chiếm 7,1%. Theo điều tra dịch tễ, hầu hết các trường hợp tử vong đều không tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh Dại sau phơi nhiễm. Giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có 76 trường hợp tử vong do mắc bệnh Dại.

Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 25 tỉnh, thành phố. Trong đó, số ca bệnh tập trung nhiều nhất là các tỉnh: Bến Tre (13 ca), Kiên Giang (5 ca), Nghệ An (5 ca) và Quảng Bình (5 ca).Khu vực Tây Nguyên ghi nhận 03 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Trong đó, tại Đăk Nông 02 trường hợp; Đăk Lăk 01 trường hợp. Số ca mắc năm 2022 tại khu vực Tây Nguyên tương đương so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình bệnh Dại trên người tại tỉnh Đăk Nông

Từ năm 2017 đến năm 2022, bệnh Dại lưu hành trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Riêng năm 2018 không ghi nhận trường hợp mắc Dại.

Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh ghi nhận 07 ổ dịch Dại lây truyền từ động vật sang người với 07 trường hợp tử vong. Cụ thể, tại huyện Đăk Glong 03 trường hợp (xã Quảng Sơn 02, xã Đắk Ha 01); huyện Đăk Song 02 trường hợp (xã Đắk N’Drung 01, xã Thuận Hà 01); huyện Đăk Mil 01 trường hợp (xã Thuận An) và huyện Krông Nô 01 (Đăk Sôr). Trong giai đoạn này, toàn tỉnh ghi nhận 12 ổ dịch Dại trên động vật, cụ thể trên chó. Trong đó, tại thành phố Gia Nghĩa 05 ổ dịch; huyện Krông Nô 05 ổ dịch; huyện Đăk R’Lấp 01 ổ dịch và huyện Đăk Song 01 ổ dịch.

Kết quả phân tích, điều tra dịch tễ đối với các trường hợp tử vong do bệnh Dại cho thấy: 07/07 trường hợp tử vong đều không tiêm vc xin điều trị dự phòng bệnh Dại sau phơi nhiễm. Trong đó có 02/07 trường hợp điều trị bằng thuốc Nam.

Theo báo cáo, thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ năm 2017 đến 06 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 14.204 trường hợp tiêm vắc xin/huyết thanh kháng Dại phòng chống bệnh Dại sau phơi nhiễm.

Nhận định, dự báo

Hiện nay thời tiết bước sang giai đoạn giao mùa. Tình trạng nắng nóng kéo dài làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh Dại trên động vật và nguy cơ lây truyền dịch bệnh sang người. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phòng Dại cho động vật nuôi trên địa bàn tỉnh đạt tỉ lệ rất thấp. Theo Báo cáo số 385/BC-SNN ngày 28/06/2021 của Sở Nông nghiệp, năm 2021 số lượng mũi tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó tại tỉnh Đăk Nông chỉ đạt 19,00% trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực có ca tử vong do bệnh Dại và khu vực ghi nhận động vật nghi Dại.

Số người bị phơi nhiễm với vi rút dại trên địa bàn tỉnh đa số là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn không có điều kiện để đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị động vật (chó, mèo) cắn. Người dân sau khi phơi nhiễm còn chủ quan, không theo dõi vật chủ gây bệnh, cũng như không thông báo cho cán bộ y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với vi rút Dại.

 Một số khó khăn, tồn tại

Hiện nay, công tác truyền thông phòng, chống bệnh Dại trong cộng đồng còn hạn chế. Người dân chưa nhận thức đúng và đủ về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại dẫn đến thái độ chủ quan, lơ là trong việc tiêm phòng. Một bộ phận người dân còn tồn tại những quan điểm lạc hậu trong điều trị bệnh Dại bằng các bài thuốc Nam chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng. Bên cạnh đó, vì lo ngại sự ảnh hưởng của vắc xin phòng Dại đến hệ thần kinh và sức khoẻ mà nhiều người dân không tiêm vắc xin sau khi bị chó, mèo… cào /cắn.

Dịch vụ tiêm vắc xin phòng Dại tại các vùng nguy cơ cao, vùng sâu, vùng xa chưa thường xuyên do thiếu nguồn cung vắc xin dẫn đến người dân khó tiếp cận với dịch vụ tiêm vắc xin phòng Dại sau phơi nhiễm. Chi phí cao và liệu trình điều trị kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Dại sau phơi nhiễm. Bên cạnh đó, giá thành của các loại vắc xin còn cao so với thu nhập bình quân của người dân.

 Trong khi đó, việc phổ biến và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin Dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Công tác quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng chó thả rông cắn người còn phổ biến, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.  

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại, ngành y tế hiện đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại trên người; hướng đến mục tiêu kiểm soát, khống chế bệnh Dại trên người đến năm 2025, tiến tới loại trừ bệnh Dại trên người vào năm 2030./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website