A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông chủ động phòng chống dịch thủy đậu

Hiện nay, dịch bệnh thủy đậu đã xuất hiện và bùng phát thành ổ dịch ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Bon Phi Mur - Xã Quảng Khê - huyện Đăk Glong là một trong những địa phương có ca mắc bệnh thủy đậu bùng phát thành ổ dịch. Ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại địa phương là bé trai 5 tuổi, học tại lớp Chồi 1 - trường Mẫu giáo Hoa Hồng. Cháu chưa từng mắc thủy đậu và trước đây cháu cũng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu. Khi mắc bệnh cháu có các triệu chứng như sốt nhẹ, xuất hiện mụn nước ở khắp cơ thể và được cách ly, điều trị tại nhà. Sau đó, tại lớp học của cháu có ghi nhận thêm 7 ca mắc và 01 ca lớp chồi 2. Trong ổ dịch tại xã Quảng Khê ghi nhận 09 ca mắc thủy đậu và 100% ca đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.

Ngoài ổ dịch thủy đậu tại Bon Phi Mur - Xã Quảng Khê - huyện Đăk Glong, trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận thêm 03 ổ dịch tại huyện Đăk Song với 32 ca mắc. Cụ thể, 02 ổ dịch tại trường học THPT Phan Đình Phùng - xã Đăk D’Rung (03 ca), trường mầm non Hoa Hồng - xã Trường Xuân (18 ca) và 01 ổ dịch tại cộng đồng ở thôn 4 - xã Nâm N’Jang (11 ca).

Để khống chế và kiểm soát dịch thủy đậu, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện để điều tra xác minh các ca bệnh, ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Tại các địa phương, Trung tâm Y tế đã thực hiện điều tra, giám sát tại các hộ gia đình ghi nhận ca bệnh, các trường học và khu vực ổ dịch, nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tiến hành cách ly và quản lý kịp thời ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan, kéo dài. Tổ chức vệ sinh môi trường, phun Chloramin B khử khuẩn trong nhà và khu vực xung quanh nơi ghi nhận ca bệnh, các lớp học, trường học, khu vực ổ dịch. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, thông thoáng nhà cửa, hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người tại khu vực ổ dịch. Cán bộ y tế cũng tiến hành rà soát tình hình tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu của người dân tại khu vực phát sinh ổ dịch và vận động người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho bản thân và người nhà.

Bên cạnh những hoạt động đã triển khai, công tác phòng chống dịch bệnh thủy đậu tại các địa phương còn gặp một số khó khăn. Hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế chưa được thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Y tế địa phương chưa thực hiện giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, dẫn đến số liệu bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh Thuỷ đậu nói riêng chưa được cập nhật đầy đủ về số ca mắc. Do đó, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ gây ảnh hưởng đến công tác nhận định, phân tích, đánh giá xu hướng dịch bệnh. Công tác thông tin, báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm chưa kịp thời giữa trường học và y tế địa phương, nên ca bệnh đầu tiên ghi nhận trong ổ dịch bị bỏ sót, dẫn đến công tác xử lý không đáp ứng kịp thời.

Người dân khi mắc bệnh truyền nhiễm ở thể nhẹ thường đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân, không thực hiện khai báo cho cơ sở y tế. Đồng thời, theo số liệu giám sát dịch tễ về bệnh thủy đậu, các ổ dịch thường phát sinh ở các trường học, nơi tập trung đông người. Bệnh ghi nhận ở mọi độ tuổi. Đặc biệt hầu hết các ca bệnh thủy đậu thường ghi nhận ở người chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh và chưa từng mắc bệnh thủy đậu trước đây. Đa số các ổ dịch ghi nhận tại trường học, mật độ và tần suất tiếp xúc cao, dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc nếu không chủ động triển khai các biện pháp dự phòng kịp thời.

Để phòng chống bệnh thủy đậu, không để bùng phát thành ổ dịch, trong thời gian tới, ngành y tế các địa phương cần theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh thuỷ đậu trên địa bàn nói chung và tại các ổ dịch đã ghi nhận nói riêng. Thực hiện cập nhật hằng ngày về diễn biến dịch bệnh tại ổ dịch. Các trạm Y tế cần thường xuyên liên hệ, phối hợp với các trường học trên địa bàn, nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm và xử lý dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, tránh trường hợp để dịch bệnh lây lan. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Thuỷ đậu tại cộng đồng và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao (có tiếp xúc với người mắc thuỷ đậu, người sống cùng nhà với bệnh nhân mắc thuỷ đậu). Khuyến cáo người dân khi phát hiện bản thân hoặc các trường hợp mắc thuỷ đậu cần thông báo ngay cho Trạm Y tế để được tư vấn, hướng dẫn điều trị theo quy định./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website