A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông hướng tới loại trừ bệnh sốt rét

Tại hội thảo ở Geneva (Thụy Sỹ) năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các nước có bệnh sốt rét lưu hành xem xét triển khai chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét tại mỗi quốc gia: Ở các vùng áp dụng biện pháp phòng, chống sốt rét tích cực khi tỷ lệ ký sinh trùng dương tính dưới 5% trong tổng số xét nghiệm ca nghi ngờ sốt rét thì chuyển sang giai đoạn tiền loại trừ sốt rét; triển khai các giai đoạn loại trừ sốt rét ở các vùng (huyện hoặc tỉnh) có tỷ lệ ký sinh trùng dương tính dưới 1 phần nghìn dân vùng sốt rét lưu hành/năm, không giới hạn thời gian cho mỗi giai đoạn.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/11/2011 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Theo nội dung chiến lược được phê duyệt, dự kiến đến năm 2030 bệnh sốt rét cơ bản được loại trừ tại Việt Nam. Năm 2023, cả nước có 46 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét và chỉ còn 448 bệnh nhân sốt rét. Đây là sự nỗ lực của cơ quan Chính phủ, Bộ Y tế, các Viện Sốt rét, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố cùng toàn bộ hệ thống y tế, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Tại tỉnh Đăk Nông, trong giai đoạn từ năm 2018-2023, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của chính quyền các cấp với những giải pháp cụ thể, hiệu quả và sự nỗ lực của cả hệ thống y tế địa phương, công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét đã đạt các mục tiêu giảm số ca mắc/chết và khống chế không để dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn. Tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét liên tục giảm qua từng năm, số ký sinh trùng sốt rét trong năm 2022 giảm 24 lần so với năm 2018. Từ năm 2020, chủng P.vivax luôn chiếm số lượng lớn hơn so với chủng  P.falciparum. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh không ghi nhận ca tử vong do sốt rét nào. Từ năm 2018 đến năm 2022, một số huyện có ca mắc sốt rét giảm mạnh như huyện Tuy Đức (82 ca giảm còn 7 ca), Cư Jut (63 ca giảm còn 0 ca) và Đăk Mil (từ 34 ca giảm còn 01 ca).

Hiện nay, tỉnh Đăk Nông đang hướng tới mục tiêu phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh. Về thực hiện lộ trình loại trừ bệnh sốt rét, toàn tỉnh có 66/71 xã, phường, thị trấn đang trong giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét. Có 05 xã chưa đạt tiêu chuẩn để bước vào giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét, gồm xã Tân Thành (huyện Krông Nô), xã Đăk Drông và Cư Knia (huyện Cư Jut), xã Quảng Trực và Đăk Ngo (Tuy Đức). Dự kiến 100% xã, phường, thị trấn sẽ bước vào giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2025. Trong năm 2023, công nhận loại trừ bệnh sốt rét tại TP Gia Nghĩa và huyện Đăk R’Lấp.

Để thúc đẩy thực hiện loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 03/4/2024 về việc thực hiện loại trừ bệnh sốt rét tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2024-2030. Theo đó, các địa phương triển khai thực hiện chủ động, tích cực và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét hướng đến năm 2025 đạt các tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét do ký sinh trùng P.falciparum gây nên ở quy mô cấp tỉnh và được công nhận là tỉnh loại trừ bệnh sốt rét trước năm 2030. Đồng thời, tiếp tục triển khai các yếu tố bền vững và thực hiện xã hội hóa trong phòng, chống bệnh sốt rét nhằm ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại.

Để hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét cần đảm bảo người dân tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm bệnh sốt rét, điều trị kịp thời, an toàn và hiệu quả. Nâng cao diện bao phủ các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét phù hợp cho người dân có nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Cụ thể, 98% hộ gia đình sống trong vùng sốt rét lưu hành nặng và vừa có đủ màn phòng, chống muỗi (2 người/màn); 98% hộ gia đình trong vùng có ổ bệnh đang hoạt động được phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi; duy trì trên 95% người dân vùng sốt rét lưu hành biết được các thông điệp chủ yếu về phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét, đề phòng sốt rét quay trở lại. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, giám sát dịch tễ và sẵn sàng đáp ứng phòng, chống khi có dịch xảy ra. Từng bước loại trừ sốt rét tại các huyện, thành phố, phấn đấu cắt đứt sự lan truyền P.falciparum tại các khu vực kháng thuốc và phòng tái lan truyền sốt rét ở những vùng đã cắt đứt lan truyền của tỉnh; 100% các huyện, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2025. Trước năm 2030 được công nhận là tỉnh loại trừ bệnh sốt rét, tiếp tục duy trì và đề phòng sốt rét quay trở lại.

Công tác phòng, chống muỗi truyền bệnh, ngành Y tế sẽ phối hợp với tổ chức phân vùng dịch tễ sốt rét can thiệp sau mỗi 5 năm nhằm tập trung nguồn lực cho các vùng trọng điểm và áp dụng các biện pháp phù hợp cho mỗi vùng. Sử dụng hóa chất diệt muỗi truyền bệnh có hiệu lực cao; cung cấp màn, võng tẩm hóa chất diệt muỗi tồn lưu dài, miễn phí cho dân vùng sốt rét lưu hành; tăng cường giám sát muỗi anopheles theo định kỳ và đột xuất... Việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý ca bệnh sốt rét cần thực hiện kịp thời, tránh để bùng phát thành ổ dịch. Đối với dân di cư đến địa phương cần xác định thời gian tạm trú, tình hình giao lưu tại địa phương, cần thiết phải xét nghiệm lam máu tìm ký sinh trùng sốt rét nhằm ngăn chặn kịp thời khả năng truyền bệnh cho cộng đồng... Đặc biệt, tăng cường đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét, đặc biệt là đội ngũ chuyên trách hoặc chịu trách nhiệm quản lý và triển khai thực hiện chương trình. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Tập trung củng cố và duy trì mạng lưới y tế cơ sở tại địa phương, đặc biệt đội ngũ y tế thôn, bản, y tế xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website