A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông sẵn sàng phương án ứng phó với dịch cúm A trên người

Hiện nay, thế giới đang phải đương đầu với sự xuất hiện và lan truyền của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong số đó, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người như: Cúm gia cầm (A/H5N1, A/H7N9,...), Covid-19, bệnh dại, sốt xuất huyết, các bệnh viêm não - viêm màng não, liên cầu lợn, bệnh giun sán, bệnh than, bệnh dịch hạch có nguồn gốc từ chuột cống và một số loại thú gặm nhấm, với vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh.

Theo thống kê, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Do đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và tập quán chăn nuôi, buôn bán, giết mổ quy mô hộ gia đình tại nước ta chưa được kiểm soát triệt để tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật lây lan và gây bệnh trên người. Tỷ lệ các căn bệnh truyền nhiễm thông qua vật nuôi xảy ra đều có liên quan đến việc tiếp xúc, gần gũi động vật hoặc dịch tiết hoặc máu của chúng. Một số người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai, những người suy yếu hệ thống miễn dịch là đối tượng dễ bị các vi sinh vật gây bệnh từ vật nuôi tấn công.

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố là Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Ngày 25/3/2024, Bộ Y tế thông báo có 01 trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1)  tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.

5 năm trở lại đây, Đắk Nông ghi nhận 01 ổ dịch Cúm gia cầm trên động vật (gà) ở tổ dân phố 2 - phường Nghĩa Tân - thành phố Gia Nghĩa (ngày 07/7/2022). Tính từ năm 2019 đến tháng 3/2024 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Cúm A trên người. Trước tình hình xuất hiện trường hợp mắc cúm A, ngành Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng các phương án; thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, thực hiện đồng bộ các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Một trong các nhiệm vụ được triển khai thường xuyên và định kỳ là phối hợp các ban, ngành, đơn vị liên quan điều tra, giám sát, xác minh các trường hợp mắc bệnh Cúm A hoặc nghi mắc bệnh Cúm A và xử lý các ổ dịch bệnh tại cộng đồng như tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường tại thôn/bon/tổ dân phố có bệnh nhân tử vong do bệnh Cúm và những khu vực nguy cơ cao bằng Chloramin B nồng độ 0,05% hoạt chất Clo. Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố điều tra, giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập và dân lập nhằm phát hiện sơm tất cả các trường hợp người bị mắc hoặc nghi bị phơi nhiễm với vi rút Cúm để tư vấn và điều trị kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Chủ động tăng cường giám sát các dấu hiệu cảnh báo bệnh Cúm tại địa phương thông qua hệ thống giám sát dựa vào sự kiện (EBS) trên địa bàn.

Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn tỉnh về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh, khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn tỉnh (như chia sẻ thông tin ca bệnh, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm; phối hợp tổ chức điều tra xử lý ổ dịch, triển khai các biện pháp phòng chống dịch…). Bệnh viện đa khoa tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website