A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông triển khai tiêm vắc xin IPV mũi 2 tại 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn

Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm rất cao do Polio vi rút tấn công hệ thần kinh. Trẻ em dưới 5 tuổi có khả năng nhiễm vi rút này cao hơn bất kỳ nhóm nào khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 01 trong 200 ca nhiễm bệnh bại liệt sẽ dẫn đến tê liệt vĩnh viễn. Cách tốt nhất để phòng ngừa bại liệt là tiêm vắc xin bại liệt và trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin bại liệt theo lịch tiêm chủng.

Theo chiến lược của WHO, để tiến tới thanh toán bại liệt trên toàn cầu, cần loại bỏ dần sử dụng vắc xin bại liệt uống (bOPV) nhằm loại bỏ hoàn toàn vi rút bại liệt có nguồn gốc hoang dại cũng như nguồn gốc từ vắc xin. Tại Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 tuýp (bOPV) cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc vào năm 2016 và tổ chức tiêm chủng 1 mũi vắc xin bại liệt IPV cho trẻ dưới 5 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên vào năm 2018 với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI). Việc triển khai liều IPV thứ 2 (IPV2) được WHO khuyến nghị là bước tiếp theo để hoàn thành loại bỏ vắc xin OPV, đồng thời cũng tạo ra các bảo vệ cao hơn đối với tuýp 2.

Để triển khai tiêm chủng tuýp 2 tại cộng đồng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã triển khai tiêm vắc xin IPV mũi 2 trong tiêm chủng mở rộng với mục tiêu đạt tỷ lệ từ 90% trở lên và đảm bảo công tác an toàn trong tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016-NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng. Hoạt động sẽ được triển khai trên toàn quốc từ tháng 9/2022 và tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương để triển khai tiêm IPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng có thể thực hiện từ tháng 9-12/2022. Các tỉnh sẽ dự kiến đối tượng tiêm chủng cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi cần tiêm IPV mũi 2 và dự trù vắc xin IPV. Công tác tiêm chủng sẽ được tổ chức tại 100% trạm Y tế xã, phường, thị trấn và triển khai mũi 2 vắc xin IPV cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi trong buổi tiêm chủng thường xuyên. Các buổi tiêm phải đảm bảo an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Để đảm bảo công tác tiêm chủng đạt hiệu quả, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức của người dân về ý nghĩa, sự cần thiết của tiêm vắc xin IPV mũi 2; Đối tượng, lịch tiêm chủng IPV của từng địa phương và tuyên truyền về tính an toàn của vắc xin IPV. Đối với lịch tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ tiến hành tiêm IPV mũi 1 vào lúc trẻ 5 tháng tuổi và IPV 2 vào lúc 9 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi. Trong trường hợp trẻ tiêm IPV 1 muộn thì phải đảm bảo khoảng cách tiêm IPV mũi 2 ít nhất 1 tháng sau IPV mũi 1. Tại buổi tiêm chủng, cán bộ y tế lưu ý các bà mẹ theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm trên 30 phút và hướng dẫn theo dõi tại nhà trong vòng 1 đến 2 ngày đầu sau tiêm chủng. Cán bộ y tế sẽ ghi nhận, báo cáo tất cả các trường hợp phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và những tai biến nặng sau tiêm như phản ứng phản vệ, có thể nhập viện điều trị. Đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc chưa ghi nhận trường hợp nào biến chứng nặng sau tiêm chủng IPV mũi 2 và thường có triệu chứng đai tại chỗ tiêm.

Tại tỉnh Đăk Nông, để triển khai tiêm IPV mũi 2 địa phương đã căn cứ vào tình hình thực tế bắt đầu triển khai tiêm từ tháng 10/2022 tại 100% xã, phường, thị trấn và phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 90%. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về sự cần thiết của tiêm vắc xin IPV mũi 2, đối tượng và lịch tiêm chủng IPV mũi 2 cho 163 người là cán bộ chuyên trách tiêm chủng tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và Trạm Y tế. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông trước và trong buổi tiêm chủng về lợi ích, đối tượng, tính an toàn của vắc xin; Hướng dẫn các bà mẹ theo dõi và phát hiện phản ứng sau tiêm vắc xin IPV mũi 2. Đồng thời, tại các địa phương trên toàn tỉnh sẽ triển khai tiêm vắc xin IPV mũi 2 cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi trong ngày tiêm chủng thường xuyên cùng với các vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thực hiện tiêm chủng an toàn theo các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về khám sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn hướng dẫn ccs bà mẹ chăm sóc và theo dõi trẻ sau khi tiêm. Tính đến ngày 17/11/2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã tiến hành tiêm vắc xin IPV mũi 2 cho 1.495/3.810 trẻ, đạt 39,2%. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ tiêm chủng đạt cao như huyện Cư Jut (96%), Krông Nô (50,2%), Đăk Mil (45,2%).../.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website