A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác phòng chống cúm gia cầm A(H5N1)

Ngày 27/2/2023, Bộ Y tế ban hành Công điện số 258/CĐ-BYT về việc tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Tại Đăk Nông, tuy chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn nhưng ngành y tế đã thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để dịch bệnh xâm nhập.

Ảnh minh hoạ từ internet

Theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 22/2/2023, Campuchia đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm Cúm A(H5N1) tại tỉnh Prey Veng, trong đó 1 trường hợp đã tử vong. Đây là những ca bệnh CúmA(H5N1) trên người mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014. Trong điều kiện giao lưu, thương mại ngày càng mở rộng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới như hiện nay, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch. Đăk Nông là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, gió mạnh, biên độ nhiệt trong ngày dao động khá cao, là điều kiện thuận lợi cho vi rút gia cầm phát triển. Đồng thời, trong thời điểm hiện nay, nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức, triển khai, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể sẽ gia tăng và nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người luôn đang tiềm ẩn. Tại Việt Nam: Kể từ khi xuất hiện cuối năm 2003, tính đến ngày 10/9/2008 tại Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H5N1, 52 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc chung là 49%). Các vụ dịch trên người này gồm 4 đợt cụ thể như sau:
- Đợt 1: Từ 26/12/2003 đến 10/3/2004, 23 trường hợp mắc, 16 tử vong (tỷ lệ chết/mắc 69%).

- Đợt 2: Từ 19/7/2004 đến 28/8/2004, 4 trường hợp mắc, tất cả đều tử vong (tỷ lệ chết/mắc 100%).

- Đợt 3: Từ 16/12/2004 đến tháng 11/2005, 65 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 trong đó có 3 trường hợp nhiễm không triệu chứng, 62 bệnh nhân, 22 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc 33,8%).

- Đợt 4: Từ 7/5/2007 đến 4/3/2008 có 13 trường hợp mắc bệnh, 10 tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 77%. (Số liệu của BYT)

 Biến chủng virus cúm này đã biến đổi thành một chủng có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao, có thời điểm đến 100%. Bệnh cúm A(H5N1) khi lây sang người có thể gây viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng và tỷ lệ tử vong cao.

 Trước tình hình ca bệnh xuất hiện tại nước bạn Campuchia, để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đăk Nông, chủ lực là Khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế của đơn vị đã tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/ mắc bệnh nhất là người tham gia vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm;  người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch. Đặc biệt là giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút … để kịp thời cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm, gửi về các Viện vệ sinh dịch tễ / Viện Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định, nhằm phát hiện kịp thời, quản lý chặt chẽ ca bệnh và xử lý không để dịch lan ra cộng đồng. Ngoài ra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã chuẩn bị thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện dự phòng hỗ trợ cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch nếu có; tăng cường phối hợp liên ngành giữa cơ quan y tế, thú y và các ban ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên đàn gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch; tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt đối với những người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh.

Virus A (H5N1) là chủng virus cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao (từ 50-60% trong các trường hợp mắc). Do vậy, khi người có yếu tố dịch tễ, có sốt, có triệu chứng viêm long đường hô hấp cần đến cơ sở Y tế gần nhất, khai báo để được hướng dẫn xét nghiệm khẳng định và lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch trong cộng đồng, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm, không ăn tiết canh và sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân./. 


Tác giả: Văn Tiến

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website