A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác truyền thông chiến dịch tiêm IPV trên địa bàn tỉnh Đăk Nông

Để bảo vệ thành quả thanh toán Bại liệt từ năm 2000, đòi hỏi nước ta phải tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Bại liệt ở mức cao tại tất cả các tuyến. Sở Y tế Đắk Nông đã triển khai Chiến dịch vắc xin bại liệt tiêm mũi 2 (IPV2) cho trẻ em dưới 1 tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh năm 2022. Để Chiến dịch đạt được chỉ tiêu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT các huyện/thành phố và các Trạm y tế xã/phường đặc biệt đẩy mạnh công tác truyền thông.

Thạc sỹ, bác sỹ ÊBan Thanh Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Ca bệnh Bại liệt cuối cùng ở Việt Nam được ghi nhận vào năm 1997. Việt Nam chính thức được công nhận thanh toán bệnh Bại liệt năm 2000. Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam bảo vệ thành công thành quả thanh toán bệnh Bại liệt. Tuy nhiên, việc bảo vệ thành quả này đang đứng trước thách thức lớn về sự xâm nhập của các ca Bại liệt trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong bối cảnh giao lưu quốc tế và giao thông phát triển, tâm lý lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng nên việc thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ đạt trên 95% còn nhiều khó khăn và một phần do thiếu hụt nguồn cung ứng nên chưa thể thực hiện việc tiêm chủng vắc xin IPV đầy đủ và kịp thời vào thời điểm chuyển đổi sử dụng vắc xin OPV trong TCMR (Trong giai đoạn từ tháng 5/2016 đến 9/2018)… đòi hỏi Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Bại liệt cao ở tất cả các tuyến. Xác định công tác truyền thông sẽ góp phần quan trọng trong việc triển khai thành công chiến dịch IPV, Ngành Y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã chú trọng công tác này”.

Trên thực tế, trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh về tiêm chủng mở rộng (TCMR) được nâng lên rõ rệt. Các bà mẹ đã ý thức hơn trong việc tự nguyện đưa con trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đầy đủ, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo thời điểm, theo mùa. Được nhân viên y tế thông báo về việc Trạm y tế xã Đăk Buk So (huyện Tuy Đức) tiêm chủng IPV mũi 2, chị Phạm Thị Thương đưa con gái 9 tháng tuổi đến tiêm chủng và thực hiện tiêm nhắc lại các mũi tiêm theo quy định. Chị Thương cho biết, qua thông tin tuyên truyền, chị hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm chủng IPV cũng như các mũi tiêm chủng mở rộng đối với sức khỏe của trẻ nên cả hai con của chị đều được tiêm chủng đầy đủ các mũi theo độ tuổi, do đó các con của chị phát triển khỏe mạnh, ít ốm đau, phòng, chống được các loại bệnh dịch theo mùa.

Bác sỹ Tống Trường Ký – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Song cho biết: “Để giúp các bậc cha mẹ thay đổi nhận thức, hiểu biết rõ hơn về lợi ích tiêm phòng vắc xin IPV, từ đó tích cực đưa con em mình đến tiêm đầy đủ, đúng lịch; hàng tháng, trước mỗi buổi tiêm, các nhân viên y tế của các Trạm và y tế thôn bản thường xuyên rà soát các đối tượng trong diện tham gia tiêm chủng; đồng thời đến các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi để thông báo và tuyên truyền nâng cao nhận thức của các gia đình về vai trò của tiêm chủng”. Nhờ đó, tính đến hết tháng 10/2022, tỷ lệ tiêm IPV mũi 2 cho trẻ trong độ tuổi trên địa bàn huyện Đăks Song đạt 83%. Đây là tỷ lệ khá cao so với toàn tỉnh.

Tại một số địa phương khác, tỷ lệ tiêm IPV mũi 2 cho trẻ em trong độ tuổi còn khá thấp. Trước tình hình này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị các TTYT huyện/thành phố và các Trạm Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Chỉ khi người dân hiểu được vai trò, ý nghĩa của việc tiêm chủng, họ mới chủ động và tích cực trong việc đưa con đi tiêm./.


Tác giả: Minh Nhạn

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website