A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên (ADB) giai đoạn II – góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà

Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên (ADB) giai đoạn II – góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà 01/07/2020 Trong những năm qua, sự hỗ trợ từ Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn II (2014-2019) đã góp phần giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khu vực có nhiều khởi sắc. Các hoạt động đầu tư của Dự án đã từng bước làm thay đổi bộ mặt hệ thống y tế khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đăk Nông nói riêng. Qua nhiều năm thực hiện, đến nay, Dự án đã bước vào giai đoạn hoàn thiện.

Tại Đăk Nông, mục tiêu hướng đến của Dự án là hỗ trợ phát triển hệ thống y tế tỉnh nhà; góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khó khăn khác. Dưới sự chỉ đạo của Ban Quản lý Dự án Trung ương và các cấp, ngành liên quan, Ban Quản lý Dự án tỉnh Đăk Nông đã bố trí sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ, triển khai thực hiện Dự án đúng tiến độ, đúng mục tiêu đề ra.

Trong giai đoạn II, Dự án được chia thành 03 hợp phần. Hợp phần thứ nhất, tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại tuyến xã; Hợp phần thứ hai, cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện và Hợp phần thứ ba, tăng cường năng lực quản lý y tế tại các tuyến.

 Ở hợp phần thứ nhất, Dự án tập trung vào việc cải thiện các dịch vụ sức khỏe ban đầu tại tuyến xã, đặc biệt là tập trung vào các hoạt động chăm sóc bà mẹ và trẻ em tại các trạm Y tế và các trung tâm Y tế thuộc các huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị, Dự án cũng  can thiệp cải thiện việc cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế cũng như tăng cường các dịch vụ dựa vào cộng đồng. Hợp phần thứ hai bao gồm các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện và tỉnh, trong đó bao gồm các hoạt động như nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế cần thiết và các hoạt động đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Tại hợp phần 3, Dự án hỗ trợ cải thiện hệ thống quản lý y tế ở cấp tỉnh và huyện trong đó chú trọng hỗ trợ cho hệ thống giám sát và đánh giá, phát triển nguồn nhân lực dựa trên một kế hoạch hoạt động toàn diện hàng năm và kế hoạch 5 năm.

Sau hơn 5 năm triển khai,  Dự án đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng cho một số bệnh viện tuyến huyện, bao gồm các hoạt động đầu tư bổ sung hệ thống xử lý nước thải và hệ thống khí y tế; xây mới 17 trạm y tế đối với những trạm chưa có trụ sở hoạt động và các trạm y tế đã xuống cấp trầm trọng. Đến nay, tất cả các công trình xây dựng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân, tạo môi trường làm việc thông thoáng, hiệu quả, an toàn cho cán bộ, viên chức viên y tế.

Về cung cấp trang thiết bị, Dự án đầu tư bổ sung mua sắm trang thiết bị và phương tiện vận chuyển cho các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện và các trạm y tế xã. Việc cung cấp xe cứu thương là một nội dung rất quan trọng của Dự án, nhằm góp phần giảm tỷ lệ tử vong, đảm bảo cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân kịp thời, đặc biệt là việc vận chuyển bệnh nhân cấp cứu từ tuyến xã lên tuyến huyện ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Ban quản lý Dự án đã thực hiện mua sắm trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện như: Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, nội soi khớp, nội soi tiết niệu, Máy C-ARM tăng sáng truyền hình, Hệ thống X.Quang kỹ thuật số 2 tấm cảm biến phẳng, máy định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ tự động… Với việc được mua sắm, cung ứng các trang thiết bị cần thiết, hiện đại đã giúp cho các cơ sở y tế triển khai, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện và trạm y tế, giúp người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ y tế, giảm thiểu tình trạng chuyển tuyến điều trị và tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh.

Về lĩnh vực đào tạo, Dự án đã hỗ trợ kinh phí đào tạo dài hạn cho hơn 60 y, bác sĩ; cung cấp học bổng cho 6 học viên là người dân tộc thiểu số đạt thành tích khá, giỏi trong quá trình tham gia đào tạo. Được Ban quản lý Dự án trung ương tạo điều kiện bổ sung các chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu đào tạo của tỉnh, nhờ đó một số chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Như: thực hiện được 27/14 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, vượt 193%;  thực hiện 25/13 chỉ tiêu đào tạo liên thông đại học, vượt 192%...  Bên cạnh đó, Dự án cũng thực hiện các lớp đào tạo liên tục, ngắn hạn cho hơn 1.200 lượt người với các nội dung như: phương pháp sư phạm y học cơ bản; nâng cao năng lực làm mẹ an toàn; tập huấn kỹ năng truyền thông và kỹ năng sử dụng tài liệu truyền thông; đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn; quản lý dịch vụ y tế; giám sát và vệ sinh; hỗ trợ đào tạo các kíp phẫu thuật sản khoa cho bệnh viện huyện; đào tạo y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản…

Về truyền thông, phát triển cộng đồng, Dự án tập trung vào các hoạt động tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã; hỗ trợ cung cấp một số dịch vụ khám, chữa bệnh lưu động tại cộng đồng; hỗ trợ khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cho nhân dân các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng cho gần 15.000 lượt người dân, như: khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, khám sàng lọc đục thủy tinh thể, khám phát hiện các bệnh lây qua đường tình dục, tư vấn và cấp các loại sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ mang thai, các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng...

Về mặt quản lý chất lượng khám, chữa bệnh, năm 2018, Dự án tập trung ưu tiên triển khai xây dựng mô hình bệnh viện điểm về quản lý chất lượng tại 02 bệnh viện là BVĐK huyện Cư Jút và BVĐK tỉnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đồng thời triển khai các hoạt động giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện đối với 2 bệnh viện nói trên. Đến năm 2019, trên cơ sở 2 đơn vị điểm đã được triển khai, Ban quản lý dự án tiếp tục đăng ký triển khai thêm tại Sở Y tế và 06 đơn vị y tế tuyến huyện. Việc triển khai quản lý chất lượng đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Trong đó, lấy người bệnh làm trung tâm; cải tiến quy trình khám, chữa bệnh; nâng cao kỹ năng ứng xử, giao tiếp, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế; áp dụng công nghệ thông tin trong việc khám, điều trị và quản lý bệnh viện hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

 Trong năm 2020, Ban quản lý dự án tiếp nhận và bàn giao trang thiết bị do Ban quản lý Trung ương mua sắm, phân bổ; tiếp tục duy trì các hoạt động từ năm 2019; phối hợp với bệnh viện tỉnh, các trung tâm Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tổ chức đoàn khám bệnh lưu động; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh lưu động tại cộng đồng. Ban Quản lý Dự án cũng hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực, quản lý, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2020; tham mưu SYT, UBND tỉnh bố trí đủ vốn đối ứng để duy trì hoạt động dự án trong thời gian gia hạn đóng dự án; đồng thời, hoàn thiện sổ sách để đóng dự án theo quy định.

Những hiệu quả từ dự án mang lại chính là nhân tố tác động tích cực góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh về công tác y tế - dân số trong tình hình mới. Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21- NQ/TW, với sự hỗ trợ từ Dự án, Ngành Y tế tỉnh Đăk Nông đang không ngừng nỗ lực phấn đấu nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống y tế từng bước hiện đại, hiệu quả và bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

TTYT huyện Đăk R'Lấp được dự án đầu tư xây mới khang trang, sạch đẹp

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website