A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện đưa lợi ích đến trực tiếp người dân

Vừa qua, Quỹ Fred Hollows (FHF) phối hợp với Ban quản lý Dự án (BQLDA) Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện Sở Y tế Đăk Nông tổ chức Hội thảo triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dự án phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện năm 2023-2024 tại tỉnh Đăk Nông. Tham dự Hội thảo, về phía Quỹ FHF có ông Lê Quang Trầm Tĩnh - Quản lý chương trình FHF; bà Hà Thị Nguyệt Minh - Quản lý Dự án tại Việt Nam; bà Nguyễn Quỳnh Trang - Điều phối Dự án tại tỉnh Đăk Nông. Về phía tỉnh Đăk Nông có Ths Bs Huỳnh Thanh Huynh - Phó GĐ Sở Y tế - Trưởng BQLDA cùng các thành viên; bà Phạm Thị Phượng - Phó Phòng Ngoại vụ UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên trách các Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh.

Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện được Quỹ Fred Hollows Foundation (FHF) đầu tư triển khai tại tỉnh Đăk Nông từ cuối năm 2021 và bắt đầu bước vào thực hiện từ năm 2022 và sẽ kéo dài hết năm 2024. FHF là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động nhân đạo phi lợi nhuận, được thành lập tại Sydney, Úc ngày 3 tháng 9 năm 1992, mang tên cố giáo sư nhãn khoa người Úc - Giáo sư Fred Hollows. Tôn chỉ của Quỹ Fred Hollows là giúp đỡ thực hiện chương trình phòng ngừa mù lòa tại các nước đang phát triển. Quỹ FHF bắt đầu hoạt động tại Việt Nam (FHFVN) vào năm 1992. Cho đến nay, FHFVN đã góp phần lớn trong việc hỗ trợ phát triển chương trình Chăm sóc Mắt tại nước nhà.

Theo đánh giá tại hội thảo, trên thế giới, đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu hiện nay, kế tiếp là glaucoma, tật khúc xạ, thoái hóa điểm vàng vàng và võng mạc đái tháo đường. Tại Việt Nam, đục thủy tinh thể và tật khúc xạ là hai bệnh lý nguy hiểm và phổ biến hiện nay, trong đó khoảng 1,8% (tương đương gần 350.000 người) trên 50 tuổi bị mù có nguyên nhân lớn từ đục thủy tinh thể. Tật khúc xạ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực và đang có xu hướng tăng nhanh.

Tại Đăk Nông, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho người dân đang là nhiệm vụ đặt ra bức thiết, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự giúp sức của quỹ Fred Hollows, có 03 huyện được lựa chọn triển khai thực hiện các hoạt động mô hình chăm sóc mắt của Dự án, bao gồm huyện Đăk Glong, huyện Krông Nô và huyện Đăk Mil. Mục tiêu mà Dự án hướng tới khi kết thúc chương trình đó là, các huyện được triển khai các hoạt động sẽ có đầy đủ nguồn nhân lực nhãn khoa, được trang bị đủ các thiết bị nhãn khoa cơ bản và thiết lập được các dịch vụ chăm sóc mắt tại trung tâm Y tế huyện.

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đem lại nhiều kết quả góp phần quan trọng vào việc cải thiện và nâng cao dịch vụ chăm sóc mắt cho người dân tỉnh nhà, đặc biệt là tại 3 huyện triển khai Dự án. Đã có 03 bác sỹ, 03 điều dưỡng và 08 kỹ thuật viên được đi đào tạo chuyên khoa, bên cạnh đó 06 cán bộ thuộc 3 TTYT được đi tập huấn các kiến thức liên quan chăm sóc mắt. Về máy móc, trang thiết bị, Dự án đã đầu tư 03 gói trang thiết bị nhãn khoa cơ bản cho 03 TTYT, 29 bộ đo thị lực cho trạm Y tế các xã và 700 bảng thị lực rút gọn cùng nhiều túi xách in thông điệp tuyên truyền về chăm sóc mắt phân phối cho các cộng tác viên và truyền thông viên chương trình. Ngoài ra, các hoạt động khác của Dự án như hỗ trợ các TTYT xây dựng kế hoạch phát triển đơn vị chăm sóc mắt, tổ chức các đợt truyền thông giáo dục về chăm sóc mắt, qua đó đã có hơn 5.000 lượt người được truyền đạt, hướng dẫn và tiếp cận các thông tin về chăm sóc mắt.

Trao đổi tại hội thảo, Bs Huỳnh Thanh Huynh đánh giá cao những lợi ích và ý nghĩa mà Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện mang lại đối với công tác khám chữa bệnh và chăm sóc mắt của ngành Y tế Đăk Nông nói chung, bà con nhân dân các địa phương được thụ hưởng đầu tư từ chương trình nói riêng. BS Huynh khẳng định, với tính chất và mô hình hỗ trợ, đầu tư nguồn lực tổng thể, xuyên suốt từ tuyến tỉnh xuống cơ sở mà Dự án đang triển khai thì chính người dân sẽ tiếp cận và trực tiếp được thụ hưởng những hiệu quả và lợi ích trong khám, điều trị các bệnh về mắt và chăm sóc mắt, đặc biệt là bà con nhân dân tại các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website