A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện mang lại lợi ích thiết thực cho người dân

Trước đây, khi các trung tâm Y tế tuyến huyện chưa có dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc mắt, người dân nếu bị bệnh hoặc có vấn đề về mắt đều phải lên tuyến trên thăm khám, vừa tốn kém lại rất mất thời gian. Từ năm 2021, Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện do Chính phủ Úc tài trợ thông qua Chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, chính phủ Úc đã đầu tư, hỗ trợ cho các trung tâm Y tế huyện nhiều máy móc, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa mắt. Nhờ đó, hoạt động khám, chữa bệnh về mắt đã được các trung tâm Y tế triển khai thực hiện. Tại Đăk Nông, dự án đã triển khai tại 3 huyện Đắk Mil, Đăk G’Long, Krông Nô và đã mang lại nhiều thuận  lợi cho người dân nơi đây.

Mỗi ngày có từ 10-15 bệnh nhân khám các bệnh về mắt tại TTYT huyện Đăk Glong

Có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Glong vào sáng một ngày đầu tuần tháng 5, chúng tôi gặp bệnh nhân Trần Thị Thanh Th - 51 tuổi, nhà tại Thôn 2 - xã Quảng Khê. Qua trao đổi, bà Th cho biết, hơn một năm trước mắt bà thường xuyên nhức mỏi, khô, cộm, nhìn xa không thấy. Những lúc nhìn gần cũng bị mờ như có lớp sương che phủ khiến hình ảnh thu lại không trọn vẹn. Mỗi lúc xem tivi, đọc sách báo hoặc tập trung làm một việc gì đó thì mắt bà rất nhanh mỏi. Đặc biệt, khi ra nắng, mắt bị lóa hầu như không nhìn thấy rõ mọi thứ. Các triệu chứng khó chịu từ mắt khiến tinh thần và sức khỏe bà Th bị sa sút. Bà được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện thăm khám. Tại đây, các y bác sỹ đã tiến hành các biện pháp điều trị. Sau thời gian uống thuốc và tuân thủ các hướng dẫn của bác sỹ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, đến nay tình trạng thị lực của bà Thúy đã được cải thiện rõ rệt, mắt không còn nhức mỏi, cộm ứ và nhìn mờ như trước. Cuộc sống và tinh thần của bà Th nhờ đó cũng thoải mái và vui vẻ hơn nhiều.

Được biết, trước đây gia đình bà Th đã từng có người thân phải đi Thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị bệnh về mắt, vừa tốn kém về kinh tế lại mất rất nhiều thời gian, công sức đi lại. Vì vậy, được khám bệnh gần ngay tại nơi mình sinh sống khiến bà Thúy cảm thấy vô cùng may mắn, thuận lợi. Điều đáng nói, khi khám và điều trị bệnh về mắt tại đây, bà Thúy không phải trả tiền cho các dịch vụ khám, điều trị và chăm sóc mắt. Những chi phí này đã được BHYT thanh toán, chi trả.

Bà Th là một trong hàng trăm bệnh nhân bị các bệnh về mắt được Trung tâm Y tế huyện Đăk Glong khám và điều trị thành công trong suốt hơn hai năm qua. Hầu hết các bệnh nhân là người dân sinh sống trên địa bàn, bị các vấn đề về mắt như đau mắt; bị chấn thương trong lao động, sinh hoạt; mắt mờ, khó nhìn không rõ nguyên nhân; mắt bị viêm đỏ, nổi mộng … Kể từ khi được Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện đầu tư, hỗ trợ về mọi mặt, Trung tâm đã có thể khám, điều trị những bệnh về mắt thông thường, hay gặp như: cườm khô, cườm nước, tật khúc xạ, mộng/quặm, chấn thương mắt v.v…Đến nay, Trung tâm Y tế huyện Đăk Glong đã triển khai thực hiện được 31 dịch vụ kỹ thuật về mắt, góp phần đem lại lợi ích rất lớn cho người dân trên địa bàn. Bác sỹ chuyên khoa định hướng mắt Nguyễn Thọ Cảnh – Phó Giám đốc TTYT huyện Đăk Glong cho biết: mỗi ngày Trung tâm ghi nhận từ 10-15 bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt, chiếm từ 5-8% tổng số bệnh nhân khám bệnh tại đơn vị. Ngoài việc khám, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, đội ngũ y bác sỹ Trung tâm còn tư vấn, thông tin cho người dân biết về các triệu chứng, nguyên nhân dẫn tới các bệnh thông thường về mắt, qua đó giúp bà con hiểu, chủ động tham gia khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm những bệnh về mắt.

Từ năm 2021, Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện do Quỹ Fred Hollows (FHF) đầu tư triển khai tại 3 huyện của tỉnh Đăk Nông, bao gồm huyện Đăk Glong, huyện Krông Nô và huyện Đăk Mil. Dự án đã hỗ trợ, đầu tư cho 03 trung tâm Y tế nhiều loại trang thiết bị chuyên dụng như đèn pin khám mắt, bảng thị lực, bộ mổ quặm và hộp đựng dụng cụ, bộ nong thông bơm rửa lệ đạo, đèn tiểu phẫu, bộ mỗ mộng và hộp đựng dụng cụ, kính soi đáy mắt, bàn ghế xoay tiểu phẫu .v.v… Dự án cũng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về chăm sóc mắt cho các trung tâm Y tế. Tính đến nay, tại 3 đơn vị thụ hưởng đầu tư của Dự án, mỗi trung tâm đã có 01 bác sỹ chuyên khoa I mắt, 01 điều dưỡng và 01 khúc xạ viên được đi đào tạo. Riêng trung tâm Y tế Đăk Glong được đào tạo thêm 01 kỹ thuật viên mài lắp kính phục vụ cho hoạt động khám, điều trị tật khúc xạ tại đơn vị.

Với sự đầu tư, trang bị của Dự án về nhân lực và trang thiết bị chuyên dụng, các trung tâm Y tế được đầu tư, đã và đang tổ chức thực hiện tốt công tác khám phát hiện và điều trị các bệnh về mắt cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, các đơn vị cũng triển khai thanh toán BHYT cho các dịch vụ khám chữa bệnh về mắt. Điều này càng góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho bà con nhân dân mỗi khi không may cần phải đến trung tâm Y tế khám và điều trị bệnh.

Mục tiêu hoạt động mà Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện hướng tới đó là, các huyện được đầu tư triển khai các hoạt động sẽ có đầy đủ nguồn nhân lực nhãn khoa, được trang bị đủ các thiết bị nhãn khoa cơ bản và thiết lập được các dịch vụ chăm sóc mắt tại trung tâm Y tế huyện. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đem lại nhiều kết quả góp phần quan trọng vào việc cải thiện và nâng cao dịch vụ chăm sóc mắt cho người dân tỉnh nhà, đặc biệt là tại 3 huyện triển khai Dự án.

Đánh giá về chất lượng, hiệu quả triển khai Dự án, bà Hà Thị Nguyệt Minh – Quản lý Dự án tại Việt Nam đánh giá cao trách nhiệm và tiến độ thực hiện của các đơn vị y tế tỉnh Đăk Nông. So với các tỉnh thành được thụ hưởng lợi ích từ chương trình, hiện nay Đăk Nông đã cơ bản hoàn thiện công tác đầu tư và đã đi vào hoạt động khám, chữa các bệnh về mắt, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Với những kết quả hữu ích đạt được, Ban quản lý Dự án Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư cho các trung tâm Y tế tỉnh Đăk Nông một số nguồn lực phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh như bổ sung thêm kinh phí đào tạo nhân lực; hỗ trợ xây dựng kênh trao đổi thông tin với bệnh nhân…

Với những thành công bước đầu đạt được, các trung tâm Y tế vẫn đang đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động khám, điều trị bệnh về mắt tại đơn vị, qua đó ngày càng thu hút đông đảo người dân tại địa phương đến khám và điều trị, góp phần giúp giảm tải cho tuyến trên. Kết quả trên một lần nữa khẳng định hiệu quả và sự thành công mà Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện mang lại đối với công tác cải thiện và nâng cao dịch vụ chăm sóc mắt cho người dân tỉnh nhà./.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website