A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu không có bất kỳ can thiệp nào nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có khả năng tăng cao từ 30-40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn dưới 2%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Những năm qua, ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, năm 2023, ngành Y tế tỉnh đã điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV cho 4 phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong đó 1 trẻ có kết quả âm tính với HIV, 3 trẻ còn lại đang chờ xét nghiệm. Quý I 2024 chưa ghi nhận trường hợp nào. Các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép truyền thông vào các buổi tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất để có thể khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Bằng nguồn ngân sách địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV miễn phí trong quá trình quản lý thai nghén tại tuyến y tế cơ sở, phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ngay tại các cơ sở y tế, hỗ trợ thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bs. CKI Trần Đức Phú – Phụ trách khoa phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, cho biết: HIV lây truyền từ mẹ sang con qua 3 giai đoạn. Giai đoạn mang thai, nếu người mẹ không được uống thuốc ARV thì vi rút HIV sẽ lây từ mẹ sang con qua nhau thai. Trong quá trình chuyển dạ và sinh con, thai nhi sẽ đi qua ống đẻ của bà mẹ, và trong quá trình rặn đẻ đi qua khung xương chậu, âm đạo chật hẹp sẽ gây ra các vết xước trên da sẽ khiến em bé bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Sau khi sinh ra em bé không được can thiệp kịp thời. Người mẹ cũng không biết tình trạng nhiễm HIV của mình và tiếp tục cho con bú dẫn tới bị lây nhiễm HIV qua sữa mẹ.

 Để công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, thời gian qua, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện lồng ghép các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, triển khai thực hiện hiệu quả Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ ngày 1 đến 30/6) hằng năm, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ có chồng nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con... Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Đây là giai đoạn đầu tiên để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người mẹ trong tương lai gần, thông qua việc nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS, các đường lây truyền và cách phòng tránh. Đồng thời, chủ động phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV.

Đối với nhóm đối tượng phụ nữ đã được chẩn đoán là nhiễm HIV, ngành Y tế sẽ cung cấp các biện pháp tránh thai phù hợp với các yếu tố như độ tuổi, số con đã có, tuổi của người con gần nhất, tránh mang thai ngoài ý muốn và nhằm chủ động được thời điểm mang thai khi cơ thể người mẹ có đủ sức đề kháng và điều kiện chăm sóc tốt nhất để mang thai, đồng thời giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV sang cho con trong giai đoạn mang thai. Thời điểm có thai tốt nhất của phụ nữ nhiễm HIV là khi họ có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu). Với các can thiệp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV,  đây là giai đoạn chăm sóc và điều trị trong thai kỳ. các can thiệp lúc này sẽ đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm nhất với phác đồ tối ưu. Hiện nay, toàn quốc đã áp dụng điều trị ngay cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào tuổi thai. Giai đoạn này cần cung cấp dịch vụ tư vấn dinh dưỡng cho mẹ và con sau sinh tùy thuộc vào điều kiện của từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, ngành Y tế sẽ cung cấp các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thích hợp cho bà mẹ nhiễm HIV cũng như con của họ sau sinh. Tiếp tục điều trị ARV cho mẹ theo phác đồ và điều trị dự phòng cho con bằng thuốc ARV liên tục trong 6 tuần tuổi đầu tiên.

Để sinh ra những đứa con không bị nhiễm HIV, người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị ARV và tuân thủ điều trị tốt; cần theo dõi thai kỳ, tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng ngay cho trẻ từ lúc lọt lòng. Các biện pháp can thiệp trong chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con mang lại hiệu quả nhưng nếu muốn sinh con, người nhiễm HIV cần được tư vấn của bác sĩ để được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức cho một thai kỳ khỏe mạnh và cần được theo dõi, điều trị đầy đủ.

Từ 01/6 đến 30/6/2024, Bộ Y tế đã lựa chọn triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 với chủ đề “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Để hướng tới mục tiêu này, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần và tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Vì sức khỏe và tương lai của con em mình, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh, được điều trị theo phác đồ sớm và tuân thủ điều trị, thai phụ có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.


Tác giả: Quốc Khánh

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website