Ghi nhân những nỗ lực của các Cô đỡ thôn bản
Đội ngũ cô đỡ thôn bản nhiều năm qua đã đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. Thời gian qua, Đắk Nông cùng với cả nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Nhờ những đóng góp tích cực của đội ngũ cô đỡ thôn, bản (CĐTB) mà tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (CĐTB) trở thành cánh tay nối dài của ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh vùng ĐBDTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Vinh danh các cô đỡ thôn bản có nhiều cống hiến cho Ngành Y tế
Toàn tỉnh Đắk Nông có 155 cô đỡ thôn bản được đào tạo từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 66 cô đỡ thôn bản đang hoạt động, 89 cô đỡ thôn bản đã nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau như: chính sách, điều kiện gia đình, mất…, trong đó có 26 cô đỡ thôn, bản chưa được bố trí làm y tế thôn, bản.
Năm 2020 và 2021, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em cấp cho cô đỡ thôn bản 9.000 gói đỡ đẻ sạch. Từ năm 2020 đến tháng 6/2022 và năm 2024, Quỹ Thiện tâm hỗ trợ cho cô đỡ khám thai cho thai phụ, vận động bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế, đỡ đẻ thường tại nhà, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà… với tổng kinh phí gần 589 triệu đồng. Đồng thời, từ năm 2020 đến 2023, từ nguồn kinh phí của địa phương theo các thông tư, quyết định, nghị quyết… đã hỗ trợ kinh phí cho cô đỡ thôn bản với tổng kinh phí khoảng 590 triệu đồng. Thực hiện Dự án 7-Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, có 22 cô đỡ được hỗ trợ 900.000 đồng/tháng; 4 cô đỡ được hưởng từ nguồn Dịch vụ công lĩnh vực y tế dự phòng với mức hỗ trợ 540.000 đồng/tháng… Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt, hoạt động của các cô đỡ thôn, bản đã phần nào giúp người dân nhận thức được các dấu hiệu nguy hiểm và lợi ích của việc đăng ký quản lý thai, khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván… giúp tăng tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai. 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 98,3%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 96,14%… Các cô đỡ khi đi làm cũng gặp rất nhiều khó khăn như: tình hình dân cư sống rải rác, thành phần dân tộc đa dạng, giao thông không thuận lợi, cùng lúc làm nhiều công việc như vừa làm y tế thôn, vừa làm cô đỡ thôn bản nhưng phụ cấp thấp… là những khó khăn mà các cô đỡ thôn bản đang gặp phải. Các cô đỡ thôn bản rất mong được Bộ Y tế, các tổ chức và UBND tỉnh tiếp tục có các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
Cô Đàm Bích Vân - Cô đỡ thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong cho biết: Trong những năm qua tuy công việc gia đình luôn bận rộn nhưng bản thân cô vẫn cống hiến hết mình với nhiệm vụ được giao. Bởi vì cô nhận được rất nhiều sự yêu thương của bà con lối xóm. Chính niềm vui đó là động lực cho bao năm qua cô tiếp tục với vai trò Cô đỡ thôn bản.
Bà H’rức - Cô đỡ bon Ting Wel Đăng, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong chia sẻ: Mong các lãnh đạo cũng như các tổ chức quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa đến đời sống của các cô đỡ. Chế độ phụ cấp hỗ trợ cho các cô đỡ hiện giờ tuy mới được tăng lên nhưng vẫn còn rất thấp, chính vì vậy đây cũng là áp lực khiến nhiều cô đỡ phải từ bỏ công việc này.
Tại hội nghị Vận động chính sách và tổng kết hoạt động cô đỡ thôn, bản, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em nhấn mạnh: “Vụ sức khỏe Bà mẹ Trẻ em ghi nhận các đóng góp tích cực của đội ngũ cô đỡ thôn bản đối với ngành y tế. Có thể nói nếu không có đội ngũ này thì các bà mẹ nơi vùng sâu vùng xa mới có được nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như lợi ích của các dịch vụ y tế mang đến trong quá trình họ mang thai. Vụ cũng đang rất quan tâm và đã ghi nhận các phản hồi ý kiến của đội ngũ cô đỡ thôn bản, qua đó giải đáp và đưa ra định hướng sau này để tháo gỡ các khó khăn của các cô đỡ. Vụ cũng mong các cô đỡ cống hiến nhiều hơn nữa để công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân ngày càng phát triển. Trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm đến đội ngũ y tế thôn bản bằng việc ban hành các chính hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Mong tỉnh UBND Đắk Nông và Ngành Y tế tiếp tục vận động thực hiện tốt chính sách để hỗ trợ tốt hơn cho cô đỡ thôn bản duy trì hoạt động”.