A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm muối – chìa khóa vàng bảo vệ sức khỏe

Giảm muối – chìa khóa vàng bảo vệ sức khỏe 22/12/2020 Muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể, nhưng ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...; ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn khác cho sức khỏe. Giảm độ mặn hay còn gọi giảm lượng muối trong khẩu phần ăn trở thành vấn đề bức thiết cần được mọi người chú trọng thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao thể trạng, bảo vệ sức khỏe.

Giảm muối là giảm độ mặn của thức ăn

Tại Hội thảo “Hướng dẫn truyền thông về bệnh không lây nhiễm, giảm ăn muối và covid-19” do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương tổ chức tại Nha Trang đã đưa ra thông điệp “Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn” nhằm mục đích kêu gọi người dân hạn chế lượng muối ăn và độ mặn trong các bữa ăn hàng ngày. Khi bàn về “độ mặn” thức ăn, theo quan điểm của nhiều đại biểu tham gia hội thảo, đó là tùy vào cảm nhận, vị giác và thói quen của mỗi người. Cũng là một món ăn, đối với người này có thể là mặn nhưng đối với người khác có thể là vừa hoặc nhạt. Vì vậy, nói “giảm muối” thay cho “giảm độ mặn” là phù hợp để chuyển tải thông điệp cần ăn ít hàm lượng muối vào cơ thể. Cũng vấn đề này, chị Nguyễn Thị H. nhà ở xã Đăk Nia (TP. Gia Nghĩa) chia sẻ, gia đình chị có thói quen dùng nước mắm là gia vị chính để chế biến các món ăn hàng ngày, độ đậm nhạt của thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào lượng nước mắm sử dụng lúc chế biến. Vì vậy, nói giảm muối liệu có phù hợp khi truyền thống người Việt hay có thói quen sử dụng nước mắm?

Xoay quanh vấn đề này, Tiến sỹ Takeuchi Momoe – Trưởng bộ phận Phát triển hệ thống y tế và nâng cao sức khỏe Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, “muối” được hiểu là để chỉ tất cả các loại gia vị chứa nhiều natri như muối trắng, bột canh, hạt nêm, nước mắm, xì dầu (nước tương), mỳ chính...  Mục tiêu của chương trình là khuyến cáo mọi người giảm lượng natri trong bữa ăn hàng ngày vì những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Việc dùng mắm hay muối hay bất kỳ thứ gia vị nào trong sử dụng, chế biến thức ăn là do đặc tính vùng, miền, dân tộc, thậm chí do khẩu vị của mỗi người. Những thứ gia vị đó đều tạo ra “độ mặn” trong thức ăn. Vì vậy, “gọi giảm muối cũng đồng nghĩa với việc giảm độ mặn trong thức ăn khi dung nạp vào cơ thể, và chúng ta coi đó như mục tiêu chung để hướng tới và cùng thực hiện để đạt mục đích đề ra là bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người” – TS.

Ăn nhiều muối - một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu

Cũng theo TS. Takeuchi Momoe, ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 4,1 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan ăn thừa muối. Tại Việt Nam, ăn nhiều muối cũng đang là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Hiện ở nước ta, cứ năm người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp; cứ trong ba trường hợp tử vong thì có một trường hợp là do các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu cho thấy, riêng trong năm 2016, ước tính cả nước có tới gần 82 nghìn người chết do tai biến mạch máu não và gần 68 nghìn người chết do bệnh tim thiếu máu cục bộ, chiếm tới 27% tổng số ca tử vong toàn quốc.

Riêng tại địa bàn tỉnh Đăk Nông, năm 2020, phát hiện 259 trường hợp mắc ung thư nâng lũy tích bệnh nhân ung thư toàn tỉnh lên 575 người. Số liệu thống kê 9 tháng đầu năm cũng cho thấy, có 181 trường hợp đã tử vong do bị ung thư gan, dạ dày, phổi, đại tràng, máu … Các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường đều có số bệnh nhân tăng so với năm trước. Cụ thể, tăng huyết áp có 1.604 người mắc mới (tăng 304 trường hợp) với 88 bệnh nhân tử vong, đái tháo đường có 942 người mắc (tăng 477 trường hợp) và tử vong 19 người.

Ăn bao nhiêu muối là đủ?

Theo nghiên cứu của WHO, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 5g muối/ngày (tương đương một thìa cà-phê) để phòng, chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. Trẻ em cần ăn ít muối hơn so với người trưởng thành. Trẻ dưới 1 tuổi thì không nên cho gia vị chứa muối vào thực phẩm khi chế biến thức ăn bổ sung cho trẻ; trẻ từ 1-11 tuổi chỉ nên dùng từ 2,3-<4,8g muối/ngày; từ 12-19 tuổi sử dụng <5g muối/ngày. Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh như tim mạch, đái tháo đường… ăn ít muối theo hướng dẫn của y, bác sỹ.

Cũng theo WHO, hiện nay phần lớn người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO. Thạc sỹ Hồ Thiên Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương cho rằng, hiện nay, hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân còn nhiều hạn chế, do vậy, việc thông tin, giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân để phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe.

Ðể phòng bệnh do ăn thừa muối, WHO đã đưa ra hướng dẫn cho người dân giảm ăn muối với tên gọi "SHAKE" gồm các biện pháp: giám sát hàm lượng muối, hợp tác với ngành công nghiệp, ban hành chuẩn về ghi nhãn dán, quảng cáo thực phẩm, truyền thông và tạo môi trường hỗ trợ. TS Ðỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng, người dân cần hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi sơ chế tẩm ướp, nấu nướng; tự nấu ăn tại nhà để giảm lượng muối; chấm nước mắm nhẹ tay, bỏ thói quen chấm ngập thực phẩm vào nước mắm khi ăn, pha loãng nước mắm; không rưới nước mắm, sốt kho cá, thịt vào cơm; không cố uống hết nước phở, bún, miến khi ăn ở hàng, quán… Mỗi gia đình cần giảm ngay đồ mặn trong bữa cơm hằng ngày, đọc kỹ hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua, đồng thời sử dụng muối và gia vị mặn ít natri.


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website