A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hình thành thói quen sinh hoạt khoa học giúp phòng ngừa các bệnh giun truyền qua đất

Để đánh giá thực trạng nhiễm giun truyền qua đất, là cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động phân vùng các bệnh ký sinh trùng, đặc biệt là bệnh giun truyền qua đất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đã tiến hành các đợt điều tra, đánh giá thực trạng nhiễm giun truyền qua đất tại huyện Tuy Đức. Cụ thể, Trung tâm đã tiến hành điều tra kiến thức, thực hành và một số yếu tố liên quan đến công tác phòng, chống các bệnh giun truyền qua đất bằng bộ câu hỏi điều tra KAP (Bộ câu hỏi phỏng vấn Điều tra kiến thức, thái độ & thực hành phòng bệnh giun truyền qua đất) đối với 300 người tại xã Quảng Tâm và xã Đăk Buk So có độ tuổi từ 16 trở lên. Tiến hành lấy mẫu phân để xét nghiệm tìm trứng giun cho 400 người có độ tuổi từ 02 - 65 tuổi; từ đó, xác định tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm giun truyền qua đất tại cộng đồng. Qua các đợt điều tra tại cộng đồng đã phát hiện 01 trường hợp dương tính với trứng giun đũa tại xã Đăk Buk So (chiếm tỷ lệ 0,25%). Dựa vào kết quả điều tra cán bộ y tế sẽ đánh giá được thực trạng nhiễm, mức độ lưu hành, phân tích các yếu tố liên quan đến tình trạng nhiễm giun truyền qua đất. Đơn vị sẽ đưa ra các biện pháp can thiệp để phòng, chống bệnh giun truyền qua đất, đồng thời là cơ sở để phục vụ hoạt động phân vùng các bệnh ký sinh trùng của tỉnh.

Theo phân tích kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ dương tính với trứng giun truyền qua đất tại cộng đồng chiếm tỷ lệ khá thấp, tuy nhiên, nguy cơ không phải là không có. Nguyên nhân là do thói quen sinh hoạt như tiếp xúc với đất, ăn uống không hợp vệ sinh, ăn rau sống, không rửa tay thường xuyên, để móng tay, cắn móng tay…vùng có hoặc không có nước sạch cũng là một trong những nguyên nhân gây nhiễm giun truyền qua đất.

Nhiễm giun truyền qua đất tác động một cách âm thầm kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của con người, ảnh hưởng đến quá trình học tập và làm việc, gây trở ngại tới sự phát triển kinh tế. Nhiễm giun truyền qua đất còn gây các biến chứng tại gan, mật, phổi, gây tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột, giun chui ống mật, giun chui ruột thừa, ảnh hưởng đến sức khỏe lao động và sinh hoạt của người bệnh. Với phụ nữ trưởng thành và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, nhiễm giun truyền qua đất ảnh hưởng tới việc mang thai, gây thiếu máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi và trẻ sau khi được sinh ra, có thể gây đẻ non, trẻ thiếu cân, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất có tỉ lệ nhiễm cao hơn như người làm nghề trồng lúa, trồng rau, hoa màu, làm rừng.

Tại tỉnh Đăk Nông có điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, nhiệt độ và độ ẩm quanh năm thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của ký sinh trùng. Về tập quán nhiều nơi ở nông thôn nhà tiêu còn thiếu và chưa hợp vệ sinh, tình trạng phóng uế bừa bãi vào môi trường vẫn còn xảy ra và không dùng bảo hộ lao động trong canh tác. Quy hoạch giữa nơi ở và chuồng trại chăn nuôi cũng như nơi canh tác trồng trọt còn xen kẽ nhau, sắp xếp không hợp lý giúp cho sự khuếch tán mầm bệnh dễ dàng và có điều kiện lan rộng. Theo kết quả điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương điều tra năm 2013 tại huyện Đăk Glong trên 360 cặp mẹ con cho thấy tỷ lệ nhiễm giun chung là 24,4%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm ở trẻ là 3,44% và bà mẹ là 45,36%. Năm 2018, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cũng đã có cuộc điều tra ở trẻ từ 24 -60 tháng tuổi tại xã Tâm Thắng và thị trấn Eatling (huyện Cư Jut). Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ nhiễm giun tại thị trấn Eatling là 2,5% và xã Tâm Thắng 3%. Năm 2019, tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo tại huyện Cư Jut giao động từ 10,8% - 13,2%.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra tình hình nhiễm giun của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn Trùng Trung ương cho thấy tỷ lệ nhiễm giun trên cả nước những năm gần đây vẫn ở mức độ cao: Tỷ lệ nhiễm chung khu vực trung du và miền núi phía Bắc trung bình 65%, đồng bằng sông Hồng 41%; khu vực Bắc Trung bộ và ven biển miền Trung 26%, Tây Nguyên 28%; miền Đông Nam bộ 13% và đồng bằng sông Cửu Long 10%.

Cách phòng ngừa nhiễm giun truyền qua đất tốt nhất là mỗi người, mỗi gia đình cần cắt đứt nguồn nhiễm, điều trị người nhiễm và tẩy giun định kỳ. Cần tập thói quan tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần. Tăng cường các biện pháp giáo dục truyền thông phòng chống giun truyền qua đất, nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi đùa, sau khi tiếp xúc với đất và sau khi đi đại tiện. Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không mút ngón tay. Luôn đi giày, dép, không ngồi lê trên đất. Ăn uống bảo đảm vệ sinh, ăn chín, uống chín. Tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường: Xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không dùng phân tươi bón ruộng và cây trồng, không phóng uế bừa bãi. Thường xuyên vệ sinh trường lớp, nhà cửa sạch sẽ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh giun truyền qua đất gồm 3 loại chính là giun đũa, giun tóc và giun móc/mỏ phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều nước thuộc khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhất là vùng sa mạc Sahara Châu Phi, Châu Mỹ, Trung Quốc và Đông Nam Á. WHO ước tính có hơn 2 tỷ người với khoảng 24% dân số trên toàn thế giới bị nhiễm giun truyền qua đất. Trong đó, trẻ em dễ bị phơi nhiễm bệnh do tình trạng thể chất, dinh dưỡng và nhận thức kém. Hơn 270 triệu trẻ em trước tuổi đến trường và hơn 600 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường sống ở những nơi mà ký sinh trùng được lan truyền mạnh mẽ, có nhu cầu điều trị và can thiệp phòng ngừa. Các bệnh giun truyền qua đất nằm trong số những bệnh lây truyền phổ biến nhất trên thế giới và ảnh hưởng lớn đến các quốc gia kém phát triển và đang phát triển. Bệnh lây truyền từ trứng giun có trong phân người thải ra ngoài làm đất bị nhiễm và bệnh thường xuất hiện tại những khu vực có tình trạng vệ sinh yếu kém.

 


Tác giả: Nguyễn Hiển

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website