Hoạt động cô đỡ thôn bản góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh
Hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn như dân cư sống rải rác, thành phần dân tộc đa dạng, giao thông không thuận lợi, phụ cấp thấp, song với vai trò, trách nhiệm, sự nhiệt huyết của mình, các cô đỡ thôn, bản ở tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ đắc lực cho ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông có 155 cô đỡ thôn, bản được đào tạo từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hiện chỉ còn 66 cô đỡ đang hoạt động. Không quản ngại nắng mưa, đường sá đi lại khó khăn, các cô đỡ thôn bản tại các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tiếp cận với phụ nữ và trẻ em trong từng hộ gia đình. Qua đó, hỏi han, thăm khám và tuyên truyền kiến thức cho các bà mẹ đang chăm con nhỏ và phụ nữ đang mang thai về những kiến thức chăm sóc sức khỏe thai nhi và trẻ nhỏ. Do cùng ngôn ngữ và am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, các cô đỡ dễ dàng tiếp cận, tuyên truyền và cung cấp các dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em ngay tại thôn, bon nơi các cô sinh sống.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm đến đội ngũ y tế thôn, bản bằng việc ban hành các chính hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Từ năm 2020 đến 2023, các cô đỡ thôn, bản đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của địa phương với tổng kinh phí khoảng 590 triệu đồng. Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có 22 cô đỡ được hỗ trợ với mức 900.000 đồng/tháng; 4 cô đỡ được hưởng từ nguồn Dịch vụ công lĩnh vực y tế dự phòng với mức hỗ trợ 540.000 đồng/tháng. Từ năm 2020 đến tháng 6/2022 và năm 2024, Quỹ Thiện Tâm cũng đã hỗ trợ cho các cô đỡ trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 589 triệu đồng.
Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo, thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt, hoạt động của các cô đỡ thôn, bản đã phần nào giúp người dân nhận thức được các dấu hiệu nguy hiểm và lợi ích của việc đăng ký quản lý thai, khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 6 tháng đầu năm 2024, tại tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai đạt 82,96%; tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 98,3%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 96,14%.
Sự quan tâm của nhà nước, của tỉnh, ngành Y tế và các tổ chức thời gian qua đã tiếp thêm động lực cho cô đỡ thôn, bản trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của các cô đỡ trên địa tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, tiếp tục cần có các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Cô đỡ thôn, bản được xem là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn, bản, cần sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước./.