Hoạt động đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý chưa đạt tiến độ đề ra
Sở Y tế được UBND tỉnh Đắk Nông giao nhiệm vụ chủ trì sơ kết 03 năm triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau 03 năm triển khai, hoạt động đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý và thăm dò, xác định tiềm năng.
Xuống giống trồng thử nghiệm vùng dược liệu Ngưu tất tại bon Phi Gle, xã Quảng sơn
Ngay khi khởi động chương trình mục tiêu, UBND tỉnh đã lựa chọn huyện Đắk Glong là địa bàn triển khai thực hiện Dự án đầu tư phát triển vùng trồng Dược liệu quý. Huyện Đắk Glong có diện tích đất nông nghiệp 16.673 ha chiếm 11,56%, tài nguyên rừng khá nhiều, độ che phủ chiếm hơn 40% tổng diện tích đất, hệ thống sông suối đa dạng, có sông Đồng Nai chảy qua ở phía Nam và nhiều suối lớn. Theo Hội Đông y tỉnh, khảo nghiệm bước đầu đối với một số cây trồng khi di thực từ rừng về trồng, chăm sóc trong điều kiện ở vườn nhà, rẫy cho thấy cây sinh trưởng phát triển tốt hơn khi trong rừng. Khả năng mở rộng về quy mô, sản xuất hàng hóa là rất lớn, do vậy Đắk Glong có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển dược liệu quý dưới tán rừng.
Để tiến hành thực hiện nhiệm vụ được giao, UBND huyện Đắk Glong đã bắt tay thực hiện các thủ tục, bắt đầu từ việc lựa chọn đơn vị chủ trì liên kết thực hiện dự án. Kết quả, Công ty Cổ phần dược liệu Đắk Glong là đơn vị được lựa chọn để đồng hành cùng địa phương thực hiện dự án.
Hiện nay, UBND huyện Đắk Glong đang tiến hành rà soát quy hoạch khu xây dựng nhà máy chế biến dược liệu thuộc chương trình dự án dược liệu quý, phối hợp với đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của dự án trong năm 2024 đồng thời xác định một số loại dược liệu để tiến hành thực hiện các mô hình thí điểm trước khi đưa vào triển khai sản xuất diện tích lớn.
Được biết, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng trồng Dược liệu quý giai đoạn I từ năm 2021-2025 là 209.951 triệu đồng trong đó bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và vốn huy động khác. Đến thời điểm báo cáo, việc giải ngân nguồn vốn vẫn là 0%.
Mặc dù việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa đạt được kết quả như mong đợi, nhưng hiện nay, công tác phát triển cây dược liệu trên địa bàn đã có những thành tựu nhất định. Theo ông Nguyễn Túy – Trưởng Phòng Nghiệp vụ y dược Sở Y tế, việc đầu tư trồng cây dược liệu tại Đắk Nông đã phát triển ở nhiều địa phương trong những năm gần đây. Đáng chú ý như Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà phát triển hơn 160 ha gấc tại huyện Cư Jút cho năng suất 20 tấn/ha. Tại xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong), công ty Cổ phần sản xuất chế biến nông lâm sản dược liệu sạch Đắk Nông đầu tư trồng một số loài cây thuốc xen cây ăn quả trên diện tích khoảng 30 ha trong đó có các loại cây chủ lực như Hòe, Chùm ngây, Trà hoa vàng, Sả, Lá lốt, Củ cọc, Mạch môn. Ngoài ra Hợp tác xã Dược liệu An Phú Khang cũng trồng 50 ha bao gồm Nghệ, Sâm bố chính, Đương quy tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong cho năng suất gần 3 tấn/ha.
Tại huyện Đắk Song, năm 2019, Công ty Cổ phần Nicotex Đắk Lăk bắt đầu triển khai dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen Bạch truật” tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song. Đến nay công ty đã có 5 ha dược liệu Độc hoạt trồng tại thôn 6 (xã Nam Bình, huyện Đắk Song) được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng thu hái dược liệu” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).
Cũng theo ông Túy, để việc đầu tư, hỗ trợ phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt kết quả, có quy mô và đảm bảo giá trị kinh tế cần có nhiều giải pháp then chốt, đồng bộ đồng thời cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng của các ban, ngành chức năng.