A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Sáng ngày 28/11/2024, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tại điểm cầu Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Huynh - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo về tình hình phòng, chống bệnh truyền nhiễm và kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi; phổ biến các quy định, hướng dẫn mới trong lĩnh vực y tế dự phòng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên toàn quốc.

 Theo đó, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 125.941 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết cao như Hải Phòng (22.507 ca), TP Hồ Chí Minh (12.046 ca), Đồng Nai (7.334 ca). Cả nước ghi nhận 20.469 trường hợp nghi sởi, trong đó, có 4.918 trường hợp dương tính và 05 trường hợp tử vong liên quan đến sởi.

Một số bệnh nguy hiểm, mới nổi và bệnh lây truyền từ động vật sang người đều ghi nhận ca mắc tại một số địa phương. Cụ thể, bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận 74 trường hợp mắc, nâng tích lũy ghi nhận 209 ca mắc tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó có 09 trường hợp tử vong; bệnh dại ghi nhận 79 trường hợp tử vong tại 32 tỉnh, thành phố. Đối với bệnh cúm gia cầm độc lực cao đã ghi nhận 02 trường hợp cúm A (H5N1) tại tỉnh Khánh Hòa và Long An, 01 trường hợp cúm A (H9N2) tại tỉnh Tiền Giang. Bệnh than ghi nhận 12 trường hợp mắc tại tỉnh Điện Biên (11 ca) và Sơn La (1 ca).

Tại tỉnh Đắk Nông, tính đến ngày 24/11/2024, toàn tỉnh ghi nhận 6.834 ca mắc các bệnh truyền nhiễm, tăng 1.434 ca so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bệnh sốt xuất huyết có số ca mắc cao nhất với 5.134 ca ghi nhận tại 70/71 xã phường, thị trấn thuộc 8/8 huyện, thành phố. Một số bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy ghi nhận 544 trường hợp, tay chân miệng 234 ca mắc bệnh tay chân miệng, thủy đậu 197 ca.

Trong thời gian tới, để phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các địa phương, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025; chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo công tác y tế với mọi tình huống dịch bệnh; tổ chức rà soát tiêm bù, tiêm vét, duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng; tập huấn, đào tạo năng lực giám sát, xét nghiệm, các biện pháp xử lý ổ dịch, vắc xin và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu người bệnh, kiểm soát lây nhiễm…

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao những kết quả mà ngành Y tế các địa phương đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát tại nhiều địa phương, đồng chí đề nghị ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông để tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vắc xin tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website