A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024

Ngày 26/12/2024, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2025, Hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2024. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và đào tạo đồng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Huynh - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, trong năm 2024, các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành giảm mạnh so với năm 2023 như bệnh sốt xuất huyết có 141.100 ca mắc, bệnh tay chân miệng 76.371 ca mắc, bệnh cúm mùa ghi nhận 287.548 ca mắc (có 08 trường hợp tử vong), sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 38.364 trường hợp và ghi nhận 6.725 trường hợp dương tính với bệnh sởi. Một số bệnh truyền nhiễm khác có ghi nhận ca mắc như sốt rét (344 trường hợp), ho gà (1.074 trường hợp), bệnh dại (84 ca tử vong), bệnh đậu mùa khỉ (76 trường hợp).

Tại tỉnh Đắk Nông, trong năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 7.056 ca mắc các bệnh truyền nhiễm và có 03 trường hợp tử vong (01 bệnh dại, 01 sốt xuất huyết, 01 uốn ván sơ sinh). Trong đó, một số bệnh truyền nhiễm có ca mắc tăng cao so với năm 2023 như bệnh sốt xuất huyết (tăng 3.572 ca), sởi (tăng 204 ca). Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời; tổ chức xử lý ổ dịch ngay saui khi phát hiện và tích cực triển khai các biện pháp phòng, khoanh vùng dịch tễ; đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm có giảm mạnh so với năm 2023, tuy nhiên số ca mắc tăng cục bộ tại một số địa phương và đô thị lớn. Nhận định tình hình bệnh truyền nhiễm trong năm 2025 trên thế giới đối với một số bệnh như đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh có khả năng gia tăng ca mắc, nguy cơ xuất hiện các bệnh nguy hiểm, mới nổi, chưa rõ nguyên nhân luôn hiện hữu. Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết luôn có nguy cơ bùng phát gia tăng các ca mắc do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sư đa dạng các vật chất chứa mầm bệnh dẫn đến việc kiểm soát vec tơ bị hạn chế. Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng, chống dịch bệnh phụ thuộc vào ý thức phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Đối với bệnh sởi và một số bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin tiếp tục có nguy cơ gia tăng số ca mắc khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết. Bệnh dại vẫn ghi nhận ca tử vong ở mức cao do hạn chế trong quản lý đàn chó, mèo và tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo đạt thấp tại các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức quốc tế và cộng đồng xã hội khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về y tế dự phòng, y tế cơ sở và phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 và nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng; chỉ đạo việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống xảy ra của dịch bệnh; đảm bảo nguồn lực, kinh phí tổ chức thực hiện và huy động các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chinh trị xã hội chủ động tham gia công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội và đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp cùng ngành Y tế, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng xã hội và bạn bè quốс tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm để chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội"./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website