Hơn 2.700 trẻ sẽ được Tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi
Năm 2024 cả nước ghi nhận 45.544 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 7.583 trường hợp dương tính và 16 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Độ tuổi các ca dương tính Sởi trong năm 2024 cho thấy gia tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi (chiếm khoảng 25%). Hầu hết các trường hợp mắc sởi là không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo việc tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong những trường hợp gồm: Khi đang bùng phát dịch sởi, trong các chiến dịch, nơi mà nguy cơ mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi cao, sau đó trẻ tiếp tục được tiêm 2 mũi theo lịch của Chương trình TCMR (lưu ý mũi 1 cách mũi bổ sung ít nhất 4 tuần); Vắc xin sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát.
Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi cho trẻ từ 6-9 tháng tại xã Thuận Hà (Đắk Song)
Từ ngày 01/1/2025 đến ngày 11/3/2025, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 250 trường hợp mắc Sởi (Cư Jut 67 trường hợp, Đắk Glong 28 trường hợp, Đắk Mil 43 trường hợp, Đắk R’Lấp 05 trường hợp, Đắk Song 38 trường hợp, Krông Nô 40 trường hợp, Tuy Đức 23 trường hợp, thành phố Gia Nghĩa 06 trường hợp) tại 8/8 huyện, thành phố. Trong đó ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi chiếm khoảng 15%. Vì vậy việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi là cần thiết.
Chiến dịch nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng chống dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn tỉnh. Qua đây, đảm bảo trên 95% trẻ từ đủ 06 tháng đến dưới 09 tháng tuổi được tiêm 01 mũi vắc xin Sởi.
Trong chiến dịch lần này, tỉnh Đăk Nông dự kiến tiêm cho 2.703 trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin Sởi. Ngoại trừ đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm (có bằng chứng được tiêm thể hiện trên Phiếu/Sổ tiêm chủng/Phần mềm quản lý Tiêm chủng); đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định. Các huyện, thành phố chủ động điều tra đối tượng tại hộ gia đình và cộng đồng tránh bỏ sót đối tượng, đặc biệt ở những vùng có biến động dân cư.
Tùy vào điều kiện và tình hình của từng địa phương để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi tại các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc tại các điểm tiêm chủng ngoại trạm đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận. Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị bỏ sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên. Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định về hoạt động tiêm chủng. Trạm Y tế tổ chức buổi tiêm chủng, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi tại trạm hoặc phối hợp với các ban ngành đoàn thể liên quan để bố trí điểm tiêm chủng theo quy định. Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng trên địa bàn, không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm cho riêng vắc xin sởi hoặc không quá 50 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm nếu tiêm cùng các vắc xin khác. Trạm Y tế qua nhiều kênh thông tin như cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương, y tế thôn bản để gửi giấy mời hoặc thông báo cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ về thời gian, địa điểm trước ngày tổ chức tiêm vắc xin để họ kịp sắp xếp thời gian đưa con em mình tới điểm tiêm. Rà soát và tiêm vét những trẻ thuộc diện đối tượng đã được đăng kí hoặc chưa được đăng kí có mặt tại địa bàn chưa được tiêm để hạn chế số trẻ bị bỏ sót. Đối với các trường hợp tạm hoãn cần có kế hoạch tiêm vét vào ngay cuối mỗi đợt hoặc vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong tháng.
Bệnh Sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do vi rút Sởi gây ra; bệnh lây lan dễ dàng khi người nhiễm bệnh thở, ho hoặc hắt hơi. Bệnh sởi có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của trẻ như viêm phổi, viêm màng não,.. Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh Sởi hoặc ngăn ngừa lây bệnh sang người khác. Vì vậy việc triển khai tiêm chiến dịch và tiêm bù, tiêm vét cần được thực hiện khẩn trương để ngăn chặn dịch xảy ra, đặc biệt không cho các ổ dịch lan rộng. Do đặc điểm dịch tễ học của bệnh sởi lây lan nhanh nên việc triển khai tiêm chủng cần càng sớm càng tốt.