Huyện Đăk G’Long: Đẩy mạnh hoạt động cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ, trẻ em
Từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, huyện Đăk G’Long đã và đang đẩy mạnh hoạt động cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ, trẻ em, góp phần vào sự thành công chung của chương trình trên địa bàn.
Cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em là nhiệm vụ quan trọng và là tiêu chí can thiệp trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới nói chung. Đối với Đăk Glong, can thiệp để đạt tiêu chuẩn sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em đang đối mặt với nhiều thách thức. Địa bàn huyện có nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống, do đó người dân chưa thực sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Bên cạnh các yếu tố về di truyền, những bữa ăn hằng ngày không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng đã khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em các vùng dân tộc thiểu số Đăk Glong còn cao. Ngoài ra, bản thân người dân cũng chưa hiểu rõ hết những tác hại, biến chứng cũng như gánh nặng do suy dinh dưỡng gây ra. Đặc biệt hơn, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc dinh dưỡng của người dân.
Tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về việc khám thai định kỳ cho bà mẹ mang thai là giải pháp để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và bé
Theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí số 15 về lĩnh vực y tế, quy định mỗi địa phương cần đạt 4 chỉ tiêu gồm: tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt từ 50% trở lên; xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 24% trở xuống. Hiện tại, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em trên địa bàn huyện còn cao, trung bình là 30,9%, trong đó tập trung ở các xã như Đăk R’măng 31,9%; Đăk Som 31%; Đăk Ha 30,3%.
Ông Vũ Xuân Tân – Giám đốc TTYT huyện Đăk Glong cho biết: Để giải quyết các tồn tại, hướng đến mục tiêu xây dựng thành công các tiêu chí về lĩnh vực này, ngành Y tế huyện cũng xác định rõ những việc cần làm ngay, trong đó tổ chức điều tra, đánh giá mức độ suy dinh dưỡng thể thấp còi tại các trạm Y tế làm cơ sở phân loại cấp độ ưu tiên can thiệp, tiếp đến tiến hành các đợt bổ sung vitamin A, bổ sung đa vi chất, điều trị suy dinh dưỡng, tẩy giun, … nhằm phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi dưới 5 tuổi và bà mẹ trên địa bàn.
Ngoài ra, đội ngũ cô đỡ thôn bản cũng tích cực trong việc tuyên truyền đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ các biện pháp chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em; vận động các bà mẹ khám thai định kỳ đầy đủ, sinh con tại trạm hoặc cơ sở y tế để đảm bảo an toàn. Chị Sùng Thị Thao, người dân xã Quảng Hòa là mẹ của hai con nhỏ. Chị cho biết, từ khi mang thai, chị được trạm Y tế xã thăm khám thai thường xuyên, hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng, tiêm phòng vắc xin, dự báo ngày sinh để gia đình có kế hoạch đưa đi sinh tại cơ sở y tế. Sau sinh, chị Thao được hướng dẫn chăm sóc nuôi con bằng sữa mẹ, theo dõi sức khoẻ của con. Đồng thời, cán bộ y tế cũng tư vấn tiêm vắc xin, chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung đa vi chất hàng năm. Chị Thao cho biết: “Cán bộ y tế tại Trạm luôn vận động chúng tôi đưa trẻ đến Trạm để uống Vitamin A, uống thuốc xổ giun để con cái tôi được khoẻ mạnh hơn”.
Có thể nói, việc đẩy mạnh hoạt động cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ, trẻ em nằm trong Chương trình mục tiêu Xây dựng Nông thôn mới đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng hợp lý, ưu tiên nhóm đối tượng dễ tổn thương như phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 2 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong thời gian tới, huyện Đăk G’Long phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành tiêu chí tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống còn dưới 24%./.