A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tại cộng đồng

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh đái tháo đường chiếm tỷ lệ tử vong đứng thứ 3, trung bình trong 25 người mắc các bệnh không lây nhiễm thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa và gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh. Tại Việt Nam, theo điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy có đến 64,8% người bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại cộng đồng. Đáng báo động là tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. Theo đó nhiều người trong độ tuổi từ 25-30 mắc bệnh mà không biết, có những trường hợp trẻ em mới 12-13 tuổi cũng đã mắc bệnh đái tháo đường.

Theo báo cáo của Sở Y tế, số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường được khám phát hiện năm sau hiện đang cao hơn năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 707 ca mắc bệnh đái tháo đường, tăng 242 ca so với cùng kỳ. Nâng tổng số bệnh nhân đang được ngành Y tế quản lý lên 2.594 bệnh nhân, trong đó, bệnh nhân tham gia điều trị đạt 94,1%. Số bệnh nhân tử vong do mắc bệnh đái tháo đường và các biến chứng có 7 trường hợp.

Trước thực trạng gia tăng các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường, nhiều hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường đã và đang được Ngành Y tế triển khai tích cực từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Công tác khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe của bệnh nhân tại các trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện/thành phố và bệnh viện đa khoa tỉnh đã góp phần phát hiện thêm nhiều trường hợp người mắc bệnh đái tháo đường để đưa vào quản lý và điều trị, Công tác y tế dự phòng, phát hiện sớm và nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng, tránh bệnh đái tháo đường và các biến chứng được đẩy mạnh. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh đái tháo đường. Thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa bệnh đái tháo đường từ đó hạ tỷ lệ tử vong cũng như chi phí điều trị đối với người bệnh.

Nhằm phát hiện sớm bệnh nhân đái tháo đường trong cộng đồng, kịp thời tư vấn, hướng dẫn người bệnh về các phương pháp điều trị và luyện tập, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức khám sàng lọc miễn phí phát hiện bệnh đái tháo đường cho người dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở đã thực hiện điều tra phát hiện các đối tượng mang yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng theo nhóm tuổi từ 30 -69 tuổi. Tuyên truyền, vận động người dân đến trạm Y tế khám sàng lọc phát hiện bệnh đái tháo đường. Qua đó, bệnh nhân sẽ được đo huyết áp, đo chiều cao và cân nặng, đo chỉ số đường huyết,  phát hiện nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường thường có các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần nhưng lại cảm thấy rất khát; cảm thấy rất đói ngay cả khi đang ăn; mệt mỏi nhiều; nhìn mờ; chậm lành các vết thương hoặc vét loét; giảm cân ngay cả khi đang ăn nhiều hơn; ngứa, đau hoặc tê ở tay hoặc chân. Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống bệnh đái tháo đường người dân cần phải đảm bảo duy trì cân nặng hợp lý; vận động thể lực tích cực và đều đặn mỗi ngày với cường độ vừa phải tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người. Mỗi người, mỗi gia đình phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý và lành mạnh bao gồm nhiều hoa quả và rau xanh. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và đo chỉ số đường huyết tại các cơ sở y tế. Những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường vẫn có thể sống khỏe mạnh và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm và tuân thủ phát đồ điều trị cũng như thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

Bệnh đái tháo đường có thể làm gia tăng nguy cơ tử vong sớm cũng như các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nếu không được điều trị kịp thởi có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Với các trường hợp thai sản, việc thiếu kiểm soát đường huyết trong bệnh đái tháo đường có thể làm thai chết lưu và các biến chứng khác. Ngoài tác động đến sức khỏe thì bệnh đái tháo đường và các biến chứng liên quan cũng tác động không ít đến tình hình kinh tế của người bệnh, với gia đình và xã hội thông qua các chi phí trực tiếp về y tế cũng như mất năng suất lao động và thu nhập. Vì vậy, việc đến các cơ sở y tế khám, phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường là rất cần thiết../.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website