A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số văn bản pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá – phần 1

Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTH thuốc lá) ngày 18/6/2012. Tiếp đó, ngày 25/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, Chiến lược với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc tiến tới giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Cùng với Luật PCTH của thuốc lá, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật, đồng thời ban hành Thông tư, Chỉ thị, Kế hoạch thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Sau đây là một số văn bản quy phạm pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

1. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế 

Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Từ Điều 23 đến Điều 27 Nghị định quy định xử phạt về PCTH thuốc lá bao gồm: Vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, vi phạm quy định về bán thuốc lá, vi phạm quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, vi phạm quy định về cai nghiện thuốc lá, vi phạm quy định khác về PCTH thuốc lá.

Những người có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực y tế gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra y tế; Quản lý thị trường, Công an nhân dân. Thẩm quyền xử phạt của các cơ quan khác gồm: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, Cục trưởng Cục Hóa chất, Thanh tra các ngành: Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính và các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình quản lý được quy định tại Nghị định này.

Nghị định quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế bao gồm: Người có thẩm quyền xử phạt; Công chức, viên chức thuộc ngành y tế, bảo hiểm xã hội đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính có trách nhiệm lập biên bản và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ Điều 22 đến Điều 33 Nghị định quy định về hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc lá.

Người có thẩm quyền xử phạt gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Quản lý thị trường; Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Thanh tra chuyên ngành. 

Nghị định quy định trách nhiệm thi hành của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị định.

3. Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 08/02/2013 của Bộ Y tế và Bộ Công Thương hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.

Thông tư nhằm hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam. Về vị trí in cảnh báo sức khỏe, Thông tư quy định cảnh báo sức khỏe phải được in trên mặt chính trước và mặt chính sau của bao bì thuốc lá, in song song sát với rìa trên của bao bì thuốc lá. Diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá.

Về trách nhiệm thi hành, Thông tư quy định: Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch này. Bộ Y tế (giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh), Bộ Công Thương (giao Vụ Khoa học công nghệ) chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Công Thương hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này tại địa phương.

4. Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg ngày 29/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Quyết định quy định việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, Nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng Quỹ; Căn cứ, phương pháp tính và quản lý, thu nộp khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, Quản lý nhà nước đối với Quỹ PCTH thuốc lá.
Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định địa vị pháp lý, tên gọi, trụ sở, con dấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ tài chính, kế toán của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

5. Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 28/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường thực thi quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Y tế.

Chỉ thị số 05/CT-BYT yêu cầu các cơ quan đơn vị trong ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá, Luật PCTH thuốc lá; tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật PCTH thuốc lá. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng. Bộ trưởng Bộ Y tế giao trách nhiệm cụ thể cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế./.


Tác giả: Khoa TTGDSK

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website