Nghị quyết số 30/2021/QH15 mang lại hiệu quả cao trong phòng chống dịch Covid -19
Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020, đến nay đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan của mỗi đợt dịch sau phức tạp hơn đợt dịch trước. Dịch bệnh đã bùng phát mạnh, kéo dài tại các tỉnh, thành phố trên cả nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trước sự bùng phát mạnh của dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch thời điểm này đã bộc lộ nhiều hạn chế trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện và việc áp dụng các cơ chế chính sách hiện hành trong phòng, chống dịch. Việc chưa lường hết được những khó khăn và khả năng đáp ứng khi thực hiện giãn cách xã hội đã gây ra thiếu hụt cục bộ về trang thiết bị, sinh phẩm, nhân lực, nguồn lực vật tư y tế. Trước bối cảnh đó, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid -19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch Covid -19.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến dự thảo lấy ý kiến về báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15
Sau khi Nghị quyết số 30/2021/QH15 được thông qua, Chính phủ đã luôn chủ động bám sát tình hình thực tiễn đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả và kịp thời, góp phần vừa kiểm soát tốt dịch Covid -19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện chủ động điều hành ngân sách nhà nước và giải pháp tiết kiệm chi để bổ sung nguồn lực phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Nghị quyết số 30. Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch theo quy định như áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện; yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong vùng có dịch; áp dụng biện pháp đặc biệt về phương thức liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chăn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng góp phần đáp ứng yêu cầu thực tế, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid -19, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng chống dịch. Các chính sách, biện pháp mạnh mẽ trong phòng, chống dịch Covid -19 quy định tại Nghi quyết đã tạo cơ sở pháp lý kịp thời để Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chủ động đưa ra các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác phòng, chống dịch, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống dịch ở mức cao mà vẫn đảm bảo ổn định tâm lý người dân. Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép triển khai các biện pháp cấp bách, tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid -19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid -19. Tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện dã chiến, nhân lực, tài chính. Quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý do những hệ lụy của Covid -19 gây ra, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát được đợt dịch thứ 4.
Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ đã chủ động sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19. Đặc biệt thực hiện thành công chiến lược vắc xin và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định. Xác định vắc xin là vũ khí quan trọng, ngay cả trước khi Nghị quyết số 30 của Quốc hội ra đời, Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo, bằng mọi khả năng tiếp cận được vắc xin sớm nhất, nhanh nhất, phương châm “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. Chiến lược vắc xin của Chính phủ được triển khai đồng bộ trên các mặt: quỹ vắc xin, ngoại giao vắc xin, chiến dịch tiêm vắc xin… Chiến lược tiêm vắc xin Covid-19 mở rộng được xem là chiến dịch chưa từng có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vắc xin…Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết số 30 vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Nghị quyết đã cho phép mua sắm với số lượng cao hơn so nhu cầu thực tế, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc triển khai mua sắm còn rất hạn chế tại các địa phương dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; chưa bảo đảm được phương châm “4 tại chỗ” tại nhiều địa phương; Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát thực tiễn, chậm được ban hành, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, về cơ bản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai, tổ chức áp dụng hầu hết các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 quy định tại Nghị quyết số 30 đạt hiệu quả. Đến nay, nhiều chính sách, quy định đã được chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phù hợp với thực tiễn; tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, các chính sách, quy định phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 30 cần có thời gian chuyển tiếp để duy trì thành quả chống dịch ổn định, bảo đảm tính liên tục, tránh gián đoạn các cơ chế, chính sách tác động đến người dân, doanh nghiệp và hệ thống y tế.. Chính phủ sẽ kiến nghị lên Quốc Hội cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký theo quy định của Nghị quyết số 30 để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu thuốc ổn định trên thị trường, đảm bảo có thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong những năm tiếp theo; trong điều kiện diễn biến dịch còn tiềm ẩn nguy cơ và trong thời gian thực hiện thủ tục tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật; Đề nghị quy định chuyển tiếp áp dụng đối với một số chính sách về khám chữa bệnh và thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế được cấp phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành theo cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách tại Nghị quyết số 30; Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội trong tình hình dự báo dịch Covid -19 vẫn còn nguy cơ hiện hữu cho phép trong trường hợp dịch bệnh tái bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung, cập nhật theo quy trình, thủ tục thì trong thời gian Quốc hội không hop, Ủy ban thường vụ Quốc hội được quyền quyết định cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid -19 khác với quy định của luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30 để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn./.