A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nội dung, giải pháp thực hiện Chương trình Dự án 7 giai đoạn II (2026 -2030)

Nhờ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 7) giai đoạn 2021-2025, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, nhờ thực hiện Chương trình, các chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ được triển khai, từ đó người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết thực như Khám sức khỏe trẻ em dưới 24 tháng tuổi; Cấp sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em bị suy dinh dưỡng; Khám sức khỏe người cao tuổi; Chăm sóc bà mẹ trong 42 ngày đầu sau sinh; … Với những hiệu quả của Chương trình giai đoạn I, hiện Sở Y tế Đăk Nông đã có đề xuất nội dung, giải pháp thực hiện Chương trình giai đoạn II, từ năm 2026 – 20230.

Đặc điểm địa bàn có nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; thu nhập còn thấp, không đủ trang trải cuộc sống, do đó người dân chưa thực sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cũng như kiến thức thực hành dinh dưỡng và bữa ăn hằng ngày không đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng khiến việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ chưa hợp lý nên tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao. Bên cạnh đó, bản thân người dân cũng chưa rõ hết những tác hại, biến chứng cũng như gánh nặng do suy dinh dưỡng gây nên, do đó chưa thực sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Tình trạng thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi vẫn còn tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc dinh dưỡng của người dân.

Chính vì vậy, ngành Y tế Đăk Nông đề xuất Chương trình Dự án 7 giai đoạn II từ 2026 – 2030 tiếp tục hướng đến mục tiêu cải thiện sức khoẻ của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, Sở Y tế Đăk Nông đề nghị Trung ương hàng năm phân bổ kế hoạch vốn Chương trình MTQG sớm để các tỉnh phân bổ kế hoạch cho các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện. Các Sở, ngành hàng năm sớm thông báo dự kiến kế hoạch vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để địa phương cân đối, phân bổ nguồn lực. Hiện nay, địa phương luôn bị động trong triển khai thực hiện, kế hoạch vốn giao chậm làm ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân chương trình.

Kinh phí dự kiến thực hiện giai đoạn 2 lên tới hơn 56 tỷ đồng, trong đó kinh phí nguồn trung ương hơn 26 tỷ đồng và nguồn địa phương hơn 30 tỷ đồng. Các hoạt động của Chương trình Dự án 7 giai đoạn 2 bao gồm việc thực hiện các chỉ tiêu về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; chỉ tiêu về Chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong mẹ, trẻ em; chỉ tiêu hoạt động “tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Một số mục tiêu cụ thể trong giai đoạn từ 2026 – 20230 như: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 13,5%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 22%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể gầy còm giảm còn 3,2%; Tỷ lệ phụ nữ có thai tại các xã khu vực III được cấp sản phẩm dinh dưỡng từ khi mang thai là 35%; 90% phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ; 100% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế; 70% phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh tại nhà 3 lần trong 42 ngày; 75% trẻ em dưới 2 tuổi tại các xã KV3 được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần v.v…

Để Chương trình Dự án 7 giai đoạn 2 đạt hiệu quả, Sở Y tế Đăk Nông mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành chủ trì, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến cải thiện dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, vệ sinh môi trường, ứng dụng và cập nhật thường xuyên tình trạng sức khoẻ người dân trong Hồ sơ sức khoẻ điện tử v.v…


Tác giả: Minh Nhạn

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website