Phòng chống bệnh giun sán vì sức khỏe cộng đồng
Giun sống trong cơ thể động vật nói chung, là một loại ký sinh trùng, sống chủ yếu sống trong đường ruột. Những loại giun thường sống ký sinh trong đường ruột của người bao gồm giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim. Người bị nhiễm giun là do ăn phải trứng giun từ thức ăn, nước uống bị ô nhiễm, qua bàn tay bẩn. Đối với giun móc/mỏ ấu trùng xâm nhập xuyên qua da vào cơ thể và gây bệnh cho người.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức điều tra bệnh giun sán truyền qua đất tại cộng đồng
Những người bị nhiễm giun thường có các triệu chứng như gầy yếu, da xanh, hay bị đau bụng, chán ăn, ăn uống khó tiêu, bụng chướng, chậm lớn. Các bệnh do giun gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe của người bệnh như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, gầy yếu, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng lao động, gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào ruột thừa gây viêm, giun chui ống mật và có thể gây tử vong.
Đắk Nông có điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, nhiệt độ và độ ẩm quanh năm thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của ký sinh trùng. Về tập quán, nhiều nơi ở nông thôn nhà tiêu còn thiếu và chưa hợp vệ sinh, tình trạng phóng uế bừa bãi vào môi trường vẫn còn xảy ra và không dùng bảo hộ lao động trong canh tác. Nhiều người còn thói quen ăn rau sống, uống nước chưa nấu chín, chưa có thói quen đi giày, dép thường xuyên hoặc không rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đại tiện. Sự quy hoạch giữa nơi ở và chuồng trại chăn nuôi cũng như nơi canh tác trồng trọt còn xen kẽ nhau, sắp xếp không hợp lý. Các động vật, sinh vật ăn phân và chuyển tải mầm bệnh khá phong phú như ruồi, nhặng, chó, gia cầm... giúp cho sự khuếch tán mầm bệnh dễ dàng, và bệnh có điều kiện lan rộng.
Theo kết quả điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương năm 2013 trên 360 cặp mẹ con (con có độ tuổi từ 12 - 23 tháng tuổi) tại huyện Đắk Glong cho thấy, tỷ lệ nhiễm giun chung là 24,4%, trong đó tỷ lệ nhiễm ở trẻ là 3,44% và bà mẹ là 45,36%. Năm 2018, một cuộc điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn ở trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 02 xã thuộc huyện Cư Jút cho thấy tỷ lệ nhiễm giun chung tại thị trấn Ea Tling là 2,5% và xã Tâm Thắng là 3%. Cũng tại huyện Cư Jút, kết quả điều tra trong năm 2019 cho thấy tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo dao động từ 10,8% - 13,2%. Năm 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã điều tra trên đối tượng phụ nữ độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi) người dân tộc thiểu số tại huyện Cư Jút, kết quả tỷ lệ nhiễm giun chung ở đối tượng này chiếm 33,33%.
Trong năm 2025, để làm giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm góp phần giảm gánh nặng bệnh tật do ký sinh trùng thường gặp gây nên và nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành trong phòng, chống bệnh giun sán tại cộng đồng, ngành Y tế đã tổ chức đợt tẩy giun sán cho tất cả học sinh tiểu học trên toàn tỉnh. Theo đó, ngành Y tế xác định công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là hoạt động quan trọng hàng đầu, ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tiến tới hành động của người dân với các hoạt động bảo vệ sức khỏe. Do đó, để đảm bảo cho sự thành công và hiệu quả của hoạt động tẩy giun học sinh tiểu học năm 2025, ngành Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp tại các trường học, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chung của toàn trường cho học sinh, giáo viên và phụ huynh nhằm nâng cao nhận thức, thực hành phòng chống giun sán tại cộng đồng. Treo băng rôn tại nơi công cộng về các nội dung phòng chống bệnh giun sán như nguyên nhân lây bệnh, đường lây truyền, tác hại và cách phòng bệnh.
Hoạt động tẩy giun cho học sinh tiểu học được ngành Y tế triển khai định kỳ hàng năm góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh giun sán tại cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác phòng chống bệnh giun sán tại tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, bệnh ký sinh trùng bao gồm nhiều loại bệnh, nhiều bệnh trong số đó có phân bố rộng rãi nhưng không đồng đều, tính chất bệnh đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện khí hậu các vùng sinh thái khác nhau và tính chất xã hội của vùng, miền nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động điều tra đánh giá tình hình nhiễm bệnh cũng như triển khai công tác phòng chống. Số liệu về bệnh ký sinh trùng không đầy đủ và không đại diện cho các vùng miền, các đối tượng nên khó khăn trong công tác xác định ưu tiên phòng chống bệnh. Hệ thống phòng chống các bệnh ký sinh trùng còn yếu và chưa thống nhất. Trình độ chuyên môn và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng còn rất hạn chế trong hệ thống chuyên khoa Ký sinh trùng - Côn trùng. Kinh phí dành cho công tác phòng, chống các bệnh ký sinh trùng hạn chế, việc cung ứng các loại thuốc điều trị các bệnh ký sinh trùng chủ yếu dựa vào sự viện trợ và sự chi phối của thị trường tự do. Các hoạt động phòng, chống các bệnh ký sinh trùng chỉ dừng lại ở tuyến Trung ương, việc triển khai tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc phòng, chống các bệnh ký sinh trùng hiện nay chỉ do ngành Y tế - Giáo dục phối hợp thực hiện, còn thiếu sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể liên quan./.