A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đăk Nông

Thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, ngày 14/4/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 17.8–tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch thuộc tiêu chí số 17 về “Môi trường và an toàn thực phẩm”. Theo đó, về nhà tiêu hợp vệ sinh phải đảm bảo các điều kiện như xây dựng khép kín với diện tích tối thiểu 0,6 m2; chất thải nhà vệ sinh không thải trực tiếp ra môi trường; có biện pháp cô lập được phân người, làm cho phân tươi hoặc chưa an toàn không thể tiếp xúc với người và động vật, tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có trong phân (vi rút, vi khuẩn); không tạo môi trường cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác sinh nở; không gây mùi hôi, khó chịu.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức buổi đánh giá nhà tắm, nhà tiêu và thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Để đảm bảo tiêu chí tiêu về tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu và thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, trong 6 tháng đầu năm 2023, 8/8 huyện, thành phố đã thực hiện kiểm tra, giám sát nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 15/2006-BYT ngày 30/11/2006 của Bộ Y tế. Theo đó, các địa phương đã tiến hành kiểm tra đồng loạt tại 71 xã, phường, thị trấn với 154.207 hộ trên địa bàn tỉnh về vị trí xây dựng nhà tiêu; vệ sinh xung quanh nhà tiêu; số lượng xử lý bể phân; nước chảy; mặt sàn nhà tiêu; nước dội, dụng cụ chứa nước dội; phần che chắn nhà tiêu.

Qua kiểm tra, giám sát tại các địa phương, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu trên toàn tỉnh đạt 93,27% (143.833/154.207), trong đó, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh trên toàn tỉnh là 74,86%. Một số địa phương có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt cao như TP Gia Nghĩa (đạt 85,2%), huyện Đăk Mil (79,46%) và huyện Đăk Song (78,07%). Bên cạnh đó một số địa phương có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh vẫn còn đạt thấp như huyện Cư Jut (69,3%), Tuy Đức (69,85%), Đắk Glong (64,53%). Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có nhà tiêu hợp vệ sinh là 50,83%, hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh là 38,21%.

Hiện nay, tại các hộ gia đình các nhà tiêu hợp vệ sinh được sử dụng gồm có các loại như nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu thấm, nhà tiêu 2 ngăn, nhà tiêu chìm có ống thông hơi, và một số loại nhà tiêu khác. Đối với nhà tiêu tự hoại, trên địa bàn toàn tỉnh có (34.642) hộ gia đình sử dụng và tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96,06%; đối với nhà tiêu thấm có (82.978) nhà tiêu tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 91,92%; nhà tiêu 2 ngăn (8.633 nhà tiêu) có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 48,31%; nhà tiêu chìm có ống thông hơi (3.778 nhà tiêu) có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 45,66%và đối với một số loại nhà tiêu khác (13.802 nhà tiêu) có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 8,95%.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông, hiện nay, đối với chương trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Đăk Nông còn gặp nhiều khó khăn. Tại một số địa phương, nhận thức của người dân về việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn hạn chế. Các nguồn lực đầu tư riêng cho vệ sinh chưa được bố trí kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; nguồn kinh phí cho hoạt động hỗ trợ việc kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng nhà tiêu tại hộ gia đình còn thiếu. Để đảm bảo hoạt động chương trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt hiệu quả,  góp phần xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã có kiến nghị đối với các cấp hữu quan về việc hàng năm xem xét, cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ  địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hỗ trợ kiểm tra, giám sát, điều tra đánh giá chất lượng nhà tiêu tại các hộ gia đình. Đối với các trung tâm Ytế huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cần thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ các trạmY tế đẩy mạnh công tác truyền thông, giám sát đánh giá chất lượng nhà tiêu hộ gia đình. Thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng nhà tiêu tại hộ gia đình theo Thông tư số 15/2006/TT-BYT ngày 30/11/2006 của Bộ Y tế hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu tại hộ gia đình./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website