A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Đăk Nông năm 2023

Bệnh Dại là bệnh do vi rút hướng thần kinh, gây viêm não tủy cấp tính. Bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh Dại có thể gặp ở tất cả động vật máu nóng và lây truyền cho người thông qua các chất bài tiết có chứa vi rút Dại từ vết cắn, cào, liếm của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% (kể cả người và động vật). Tuy nhiên, bệnh Dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin Dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.

Tử vong vì bệnh dại sau 4 tháng bị chó lạ cắn | VTV.VN

Ảnh minh hoạ từ internet

Qua thống kê báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, từ dầu năm đến nay trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 02 trường hợp tử vong do phơi nhiễm với vi rút Dại tại tỉnh Gia Lai. Tỉnh Đăk Nông hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc do bệnh Dại. Tuy nhiên, hàng năm trên địa bàn tỉnh ghi nhận mỗi năm ít nhất từ 02 trường hợp phơi nhiễm và tử vong do bệnh Dại. Chính vì vậy, việc chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dại là hết sức cần thiết.

Hiện nay, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về phòng, chống bệnh Dại chưa được thường xuyên, liên tục dẫn đến nhiều người còn chủ quan với bệnh Dại. Các quy định của Nhà nước về quản lý vật nuôi, mức xử phạt vi phạm trong phòng, chống bệnh Dại vẫn chưa được nhiều người biết đến, dẫn đến thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, tiêm phòng vắc xin phòng Dại cho đàn chó.

Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh Dại, nhằm khống chế tử vong và phơi nhiễm với bệnh Dại ở người. Ngành Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đưa ra các giải pháp chủ yếu để tăng cường công tác phòng, chống Dại bao gồm:

Đối với Ngành Y tế cần triển khai tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống bệnh Dại. Củng cố và tổ chức các điểm tiêm vắc xin Dại, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh Dại, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát và điều tra xử lý ổ dịch.

Ngành Nông nhiệp và Phát triển Nông thôn cần có kế hoạch quản lý đàn chó nuôi, chó thả rông nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ra bệnh Dại trên người. Phối hợp với ngành Y tế trao đổi thông tin về bệnh Dại trên vật nuôi, triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tiêm phòng, đeo thẻ và quản lý đàn chó.

UBND cấp xã/ phường cần lập hồ sơ quản lý hộ nuôi chó và số lượng chó nuôi có cập nhật hàng năm để cung cấp và hỗ trợ cho thú y địa phương trong công tác tiêm phòng Dại. Trong đó nắm rõ họ, tên, địa chỉ của chủ vật nuôi; số lượng chó nuôi; ngày, tháng, năm tiêm phòng dại cho chó. Thực hiện thống kê, rà soát, cập nhật thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn và đeo thẻ cho chó đã được tiêm phòng. Qua đó đánh giá được công tác tiêm phòng Dại trên đàn chó nuôi. Chính quyền địa phương công bố và thực hiện quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và  xử lý động vật mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các địa điểm tạm giữ chó để chủ vật nuôi đến nhận. Đồng thời, áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với chủ vật nuôi theo quy định; quyết định xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.

Tại cộng đồng dân cư, chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện việc đăng ký vật nuôi  với chính quyền địa phương cấp thôn/ khối/ tổ dân phố; cam kết nuôi nhốt hoặc xích trong khuôn viên của gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, chấp hành tiêm phòng Dại và không được thả rông. Khi đưa chó ra khỏi khuôn viên gia đình, chó phải được rọ mõm để đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Khi vật nuôi cắn, cào người hoặc chạy ra ngoài gây tai nạn giao thông thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra chủ vật nuôi còn phải giám sát, phát hiện chó, mèo nghi mắc bệnh Dại và kịp thời thông báo với chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và cơ quan y tế biết để kịp thời xử lý theo quy định./.


Tác giả: Ngọc Chinh

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website