A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng chống bệnh cúm mùa ở trẻ em và người già

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, với khoảng 650.000 ca tử vong mỗi năm, tương đương với mỗi một phút sẽ có một người tử vong do cúm. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm cúm và lây nhiễm cúm trong cộng đồng. Theo kết quả thống kê của WHO, hàng năm có khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm, trong đó có tới 3 – 5 triệu ca cúm diễn biến nặng. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, do Influenza virus tuýp A (H1N1, H3N2) với gần 200 phân tuýp nhỏ và tuýp B (Yamagata, Victoria) gây ra. Cúm mùa thường gây ra các triệu chứng khởi phát dễ nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường như sốt, ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ, mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt, ho nặng và kéo dài, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy… Tuy nhiên, những triệu chứng của cúm thường diễn biến với mức độ nghiêm trọng hơn, có thể biến chứng làm tăng nguy cơ viêm phổi gấp 100 lần, nhồi máu cơ tim gấp 6 lần và đột quỵ gấp 8 lần cùng tình trạng viêm não, viêm xoang, viêm tai giữa, suy hô hấp và tử vong. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Nhiều năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều thay đổi nắng –nóng bất thường, ô nhiễm môi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn huyện Cư Jut ghi nhận 644 ca mắc các bệnh truyền nhiễm, riêng cúm mùa 50 ca mắc tập trung chủ yếu ở các xã Ea Pô, Đắk Rông, Đắk Wil.

Bác sĩ Trần Thị Minh Quyên - Phó Khoa Kiểm soát bệnh tật – HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Cư Jut cho biết, Cúm mùa là bệnh thường gặp ở những người có thể trạng yếu và chủ quan với sức khỏe của mình. Bệnh dễ lây lan thành dịch mỗi khi giao mùa, thời tiết chuyển lạnh hoặc chuyển nóng thất thường như hiện nay. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Trung tâm Y tế huyện Cư jut đã chỉ đạo Trạm Y tế các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh để chủ động khoanh vùng, xử lý ổ dịch không để bệnh lây lan ra diện rộng; tổ chức thu dung, chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh cúm nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả, như: Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở; lồng ghép vào các buổi họp dân, truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình…

“Để hạn chế nhiễm cúm, mọi người cần rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch nhằm giảm thiểu mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, có thể sử dụng khăn giấy hoặc khăn tay để tránh nhiễm bẩn bàn tay, tránh lây lan virus ra môi trường xung quanh; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Đặc biệt, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm. Vắc-xin giúp người dân nhất là người lớn tuổi giảm mắc cúm, giảm nguy cơ trở nặng và gặp các biến chứng. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời” – Bs Quyên khuyến cáo.


Tác giả: Cao Thị Thảo

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website