A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến ngày 17/9/2023, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông ghi nhận 1.088 trường hợp mắc bệnh Đau mắt đỏ. Số trường hợp mắc bệnh chủ yếu ở học sinh 842/1088 ca, chiếm 77,93%. Ghi nhận 02 ổ dịch lớn tại Trường tiểu học Lê Thị hồng Gấm: 43/710  trẻ mắc bệnh và Trường trung học cơ sở Đắk Mâm: 30/750 trẻ mắc bệnh thuộc thị trấn Đăk Mâm, huyện Krông Nô.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống, nhằm ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ lây lan rộng, Sở Y tế ban hành Công văn số 2483/SYT-NVYD ngày 15/9/2023 về việc Tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

 Theo đó, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện một số nội dung sau:

1. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để; các Trường mầm non cần đảm bảo vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

2. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đăk Nông đôn đốc các cơ quan báo chí truyền thông, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đăng tải các tin, bài tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh.

3. Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn.

4. Đề nghị Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và các đơn vị có liên quan phối hợp với Trung tâm Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả công tác thông tin, báo cáo, xử lý, phòng, chống dịch bệnh.

5. Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khẩn trương thực hiện công tác hướng dẫn giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh; Tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung để người dân tiếp cận được thông tin, hiểu biết các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ để chủ động thực hiện, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng; Chủ động, thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình bệnh đau mắt đỏ; tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

6. Đề nghị Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố: Khẩn trương rà soát, thống kê, báo cáo các trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ (tính cả y tế công lập và y tế tư nhân); Tuân thủ chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT về hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm đảm bảo báo cáo, chia sẻ thông tin chính xác và kịp thời; Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ tại địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch bệnh đau mắt đỏ không để dịch lan rộng, kéo dài; Tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch bệnh đau mắt đỏ; Sẵn sàng vật tư, hoá chất, trang thiết bị phục vụ thực hiện các hoạt động điều tra, xử lý ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn quản lý./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website