Tăng cường cung cấp thông tin cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ
Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em những năm gần đây được chú trọng hơn trước. Việc đảm bảo tất cả phụ nữ có thể tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế chất lượng trong quá trình mang thai và sinh con là một thách thức rất lớn. Trước thực trạng đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, cải thiện tình trạng tiếp cận dịch vụ y tế của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.
Truyền thông cho phụ nữ và người chăm sóc trẻ tại Trạm y tế xã Quảng Sơn
Theo chân cô đỡ thôn bản Lường Thị Thụy ở bon Bu Rwah, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, chúng tôi thấy rõ những nhiệm vụ của cô đỡ thôn bản hiện nay đã khác rất nhiều so với trước đây. Nếu như trước đây, nhiệm vụ của các cô là theo dõi và khám thai cho phụ nữ trên địa bàn. Hiện nay, cùng với việc khuyến khích các bà mẹ đến khám thai và sinh con tại cơ sở y tế thì nhiệm vụ của các cô đỡ chủ yếu là tăng cường cung cấp thông tin, truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản khoa học cho các bà mẹ. Qua các cuộc gặp gỡ với những phụ nữ mang thai trên địa bàn, cô đỡ Lường Thị Thụy thường xuyên cung cấp các thông tin về dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt… trong thai kỳ. Dinh dưỡng đủ và cân đối trong thai kỳ chính là tiền đề để cả người mẹ và thai nhi phát triển khỏe mạnh. Nếu dinh dưỡng kém, người mẹ không thể cung cấp đủ các vitamin, chất khoáng và các chất dinh dưỡng khác cho thai nhi để đảm bảo thai nhi khoẻ mạnh. Dinh dưỡng kém dẫn tới trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 8.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nhằm tăng cường cung cấp kiến thức cho nhóm đối tượng này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã mở các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề về kiến thức cho phụ nữ mang thai, bà mẹ và người chăm sóc trẻ. Hướng dẫn phụ nữ mang thai đến Trạm y tế, Trung tâm Y tế huyện, bệnh viện trên địa bàn tỉnh khám thai định kỳ và được tư vấn bổ sung viên sắt/đa vi chất hàng ngày, theo dõi trong khi có thai. Đối với những trường hợp không đến khám, các cán bộ y tế tìm đến tận nhà thăm hỏi; đồng thời hướng dẫn cách chế biến món ăn đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Ngay từ lúc mới mang thai, nhiều chị em đã được các cán bộ y tế hỗ trợ về cách chăm sóc, nuôi dưỡng thai nhi. Bên cạnh việc khám thai định kỳ, các cán bộ y tế thôn, xã còn đến nhà thăm hỏi, tư vấn các thực phẩm có chất dinh dưỡng cho thai nhi. Từ đầu năm tới nay, số bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và phụ nữ mang thai được tư vấn là hơn 12.600 lượt. Bên cạnh đó, cán bộ trạm y tế xã còn phối hợp với hội phụ nữ trên địa bàn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề chia sẻ kiến thức về dinh dưỡng, kinh nghiệm nuôi con giúp nhiều chị em có thêm nhiều kiến thức cho việc chăm con. Nội dung truyền thông gồm những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, theo dõi tăng trưởng, kiến thức cần thiết phục hồi trẻ suy dinh dưỡng, đa dạng hóa thực phẩm cho bữa ăn gia đình, phòng, chống thiếu Vitamin A, thiếu sắt, Iốt và sự phát triển của trẻ nhỏ, phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi…
Thông qua các hoạt động triển khai tại Trạm y tế có đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và người nhà, cán bộ Trạm y tế sẽ lồng ghép đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp. Cung cấp tài liệu chuyên môn, tài liệu truyền thông phòng chống thấp còi. Tổ chức các hoạt động truyền thông trong các ngày: Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6); Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (16-23/10) và Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (1-7/8). Triển khai truyền thông lồng ghép hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng trong các chiến dịch khác.
Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản ở tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng. Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã đạt được khá tốt so với nhiều tỉnh có tương đương mức thu nhập bình quân đầu người. Các chỉ tiêu về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em trong nhiều năm qua đều hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về suy dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng địa lý, giữa các vùng kinh tế - xã hội và giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân, cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, gặp không ít khó khăn. Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em; tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, đẻ tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Để giải quyết những vấn đề này, ngành y tế cùng chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng. Với nỗ lực đó, tin tưởng rằng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.