A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở

Y tế cơ sở còn đối mặt nhiều khó khăn

Dịch bệnh truyền nhiễm ở qui mô toàn tỉnh nhìn chung ổn định, được kiểm soát tốt nhưng vẫn còn phát sinh các ổ dịch mới (Sởi, Sốt xuất huyết, Tay chân miệng…) cục bộ ở một số xã/phường/thị trấn. Sự gia tăng đột biến về số mắc bệnh Sốt xuất huyết năm 2024. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ <5 tuổi thể thấp còi còn ở mức cao so với trung bình cả nước và khu vực Tây Nguyên nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ (đặc biệt trong phòng chống suy dinh dưỡng học đường, vùng sâu/xa) thì đến năm 2030 khó đạt được chỉ tiêu giao (<15%).

Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở nhằm nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ

Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin đầy đủ cho trẻ <1 tuổi về cơ bản đạt yêu cầu nhưng một số nơi vẫn còn rất thấp, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng sâu, vùng xa. Một số bộ phận người dân, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số còn e ngại tai biến do tiêm chủng vắc xin, nhận thức và hợp tác trong triển khai tiêm vắc xin chưa tích cực.

Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động trong công tác chuyển đổi số. Nguồn kinh phí dành cho CNTT còn hạn chế. Nhân lực chuyên trách CNTT còn mỏng và phải kiêm nhiệm, dẫn đến khó khăn trong công tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại các đơn vị y tế. Trình độ CNTT của một số CBCC, VC còn yếu cũng hạn chế đến chuyển đồi số. Chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cán bộ phụ trách CNTT & Chuyển đổi số để thu hút nhân lực trình độ cao. Nhận thức của người dân về Chuyển đổi số và trang thiết bị số hóa của người dân (đa số là đồng bào, người già, vùng sâu vùng xa....) còn hạn chế cũng một phần ảnh hưởng tới công tác chuyển đổi số của cơ sở y tế. Việc thực hiện kết nối, chia sẻ và đồng bộ liên thông dữ liệu trên các phần mềm tiêm chủng chưa được tích hợp với hồ sơ sức khỏe điện tử, viên chức y tê phải thực hiện nhập liệu thủ công, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện; dữ liệu khám chữa bệnh tại các tuyến chưa được đồng bộ dẫn đến dữ liệu khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã còn thấp trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử.

Tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở

Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, hệ thống y tế cơ sở của tỉnh đang từng bước đổi mới mạnh mẽ về cơ chế và phương thức hoạt động để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Các Trạm Y tế xã đã giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ làm những việc theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện. Việc thực hiện quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế xã ngày càng được chú trọng theo hướng dịch chuyển mô hình bệnh tật. Năng lực phát hiện, sàng lọc từng bước được nâng cao, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về.

Gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước đã được ban hành và cập nhật. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới và ngược lại. Công tác tin học hóa các hoạt động của y tế cơ sở được tiếp tục thực hiện, triển khai đồng bộ việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý Trạm Y tế và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, khám chữa bệnh từ xa.

Hiện nay, 100% cơ sở y tế bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. 100% các xã đều có bác sĩ làm việc tại Trạm Y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT và thực hiện được danh mục dịch vụ kỹ thuật theo quy định từ trên 50% đến dưới 80% danh mục theo quy định, đảm bảo công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu cho người dân.

Tính đến nay, Đắk Nông có 69/71 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế. Tổ chức hoạt động của Trạm Y tế xã gắn với quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cộng đồng và thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, kết hợp quân y và dân y, gắn hoạt động của y tế trường học với trạm y tế xã.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tại các Trạm Y tế, Sở Y tế đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2024-2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Thông qua Đề án, các bệnh viện và Trạm Y tế đã được tham gia các chương trình chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, đào tạo trực tuyến để cập nhật kiến thức mới trong công tác khám, chữa bệnh.

Y tế cơ sở là địa chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu và gần người dân nhất. Chính vì vậy, việc tăng cường khả năng cung ứng các dịch vụ không chỉ nâng cao năng lực của y tế cơ sở mà còn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, tạo dựng niềm tin của người dân đối với các cơ sở y tế địa phương.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website