A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng chống các bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là bệnh không lây truyền từ người sang người, hoặc từ động vật sang người. Hầu hết BKLN là bệnh mạn tính, tiến triển chậm, kéo dài và khó điều trị khỏi. Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam đang tăng cường phòng, chống các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, ung thư, các bệnh hô hấp mạn tính ... Đây là những BKLN có tỷ lệ mắc cao, là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành.

 

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi dịch bệnh COVID 19 và nhiều bệnh lây nhiễm khác vẫn đang diễn biến phức tạp thì gánh nặng bệnh tật và tử vong do các BKLN đang gia tăng nhanh. BKLN đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong tất cả các nguyên nhân gây tử vong. Năm 2019, ước tính cả nước có 592.000 trường hợp tử vong do các BKLN, chiếm 81,4% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong đó chủ yếu là tử vong do các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính, chiếm 66,2% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong số tử vong do các BKLN tại Việt Nam có 41,5% tử vong sớm xảy ra trước tuổi 70.

Tỷ lệ mắc các BKLN phổ biến tăng nhanh qua các năm gây ra gánh nặng bệnh tật tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế xã hội. Gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 73,7%. Số liệu điều tra năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành là 7,06%, tương đương với 4,6 triệu người. Đối với ung thư, năm 2020 Việt Nam có 182.500 ca mắc mới ung thư. Những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và tiền liệt tuyến. Những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày và gan. Tỉ lệ mắc các bệnh hô hấp mạn tính trong cộng đồng dân cư đối với người 40 tuổi trở lên là 4,2%.

 Theo Gs.Ts.Bs Võ Thành Nhân - Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch can thiệp TP.Hồ Chí Minh, các BKLN như đái tháo đường, tăng huyết áp đều được xem là những yếu tố nguy cơ tim mạch. Những bệnh lý này thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch gây đến những tác hại ở các cơ quan đích như: gây đột quỵ ở não; nhồi máu cơ tim, suy thận, triệu chứng đau cách hồi ở mạch máu ngoại biên… Các BKLN thường đi song song và được ví như “đôi bạn đồng hành”. Chính vì vậy, những tác động của bệnh tật lên cơ thể cũng ảnh hưởng theo cấp số nhân và những nguy cơ xảy ra biến cố đối với người mắc các BKLN cũng gia tăng.

Tại tỉnh Đăk Nông, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong 2 năm qua các hoạt động phòng, chống BKLN được tổ chức “hết sức dè dặt”. Đến nay, khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, ngành y tế đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Đây được xem là một giải pháp cốt lõi trong công tác phòng, chống BKLN hiện nay.

Bs. Huỳnh Thanh Huynh - Phó Giám đốc Sở Y tế Đăk Nông cho biết: BKLN hiện đang chiếm một tỉ lệ khá lớn trên địa bàn tỉnh. Để quản lý, giám sát BKLN tại cộng đồng, ngành y tế  đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các Trạm y tế xã tăng cường quản lý đối với 03 BKLN: Phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp. Triển khai quản lý điều trị các bệnh kể trên tại cộng đồng theo Hướng dẫn 831của Bộ Y tế về việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân đồng thời triển khai đề án Nâng cao chất lượng y tế cơ sở gắn với y học gia đình và quản lý các BKLN. Bên cạnh đó, Ngành y tế cũng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, các hội nghề nghiệp nhằm tăng cường tuyên truyền phòng, chống BKLN.

Hiện nay, công tác quản lý, phòng chống BKLN ở các địa phương còn găoj nhiều khó khăn. Công tác khám sàng lọc, phát hiện sớm BKLN chủ yếu thông qua các chương trình, dự án, chưa thường xuyên. Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế tuyến cơ sở còn hạn chế, phải kiêm nhiệm nhiều công việc, cán bộ chuyên trách thường xuyên thay đổi dẫn đến việc quản lý điều trị người mắc BKLN chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, năm 2020-2021 ngành y tế tập trung phòng, chống dịch COVID-19 nên hoạt động tập huấn, khám sàng lọc và quản lý các BKLN còn hạn chế.

  Nhằm tăng cường các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị BKLN tại cộng đồng. Vừa qua, ngành y tế đã phối hợp với các đơn vị, bệnh viện trung ương tổ chức các buổi hội thảo chuyên ngành, các lớp tập huấn chuyên sâu về hoạt động khám phát hiện và quản lý điều trị BKLN cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đây chính là tiền đề để thực hiện chương trình phòng chống BKLN nhằm nâng cao hiệu quả khám sàng lọc, chẩn đoán phát hiện sớm người mắc BKLN trong cộng đồng, từ đó đưa vào quản lý điều trị. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi của người dân trong việc phòng, chống các BKLN./.

 


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website