Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích góp phần xây dựng cộng đồng an toàn
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5,8 triệu người tử vong do tai nạn thương tích (TNTT). Tỷ lệ tử vong do TNTT tập trung chủ yếu ở những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, chiếm 90% tổng số trường hợp bị TNTT trên toàn cầu. TNTT không chỉ gây tổn thương về sức khỏe cho những trường hợp mắc mà còn tạo gánh nặng về kinh tế cho mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trung bình mỗi năm có khoảng 1,2 triệu trường hợp mắc TNTT. Trong đó, tai nạn giao thông được xác định là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, tiếp đến là đuối nước, ngã, bỏng và tai nạn lao động.
Đắk Nông có mạng lưới ao, hồ, sông suối khá dày, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, mật độ dân cư thưa, nền kinh tế nông nghiệp chiếm ưu thế, công cụ sản xuất còn thô sơ,… Đây là các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây TNTT trong cộng đồng. Trung bình mỗi năm tỉnh Đăk Nông có khoảng 13,5 nghìn trường hợp mắc TNTT, tỷ suất mắc trung bình là 2,076%, cao hơn số trung bình toàn quốc (1,3%). Trong năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 13.971 trường hợp mắc TNTT, tăng 1.549 trường hợp (tăng 12,5%) so với cùng kỳ năm 2023. Ghi nhận 107 trường hợp tử vong do TNTT, tăng 08 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Các huyện/thành phố có trường hợp mắc TNTT cao nhất lần lượt là: huyện Đắk Song với 2.078/13.971 ca (chiếm 15%), Đăk Mil 2.027/13.971 ca (chiếm 14,8%), huyện Krông Nô với 2.012/13.971 ca (chiếm 14,4%), huyện Đắk R’lấp với 1.758/13.971 ca (chiếm 12,6%), %). Riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh ghi nhận 3.058 ca mắc TNTT (chiếm 21,9% số ca mắc trong toàn tỉnh) với 28 trường hợp tử vong. Nguyên nhân TNTT cao nhất là tai nạn giao thông với 3.738 trường hợp chiếm 26,8% tổng số trường hợp bị TNTT (trong đó tử vong 54/107 trường hợp chiếm 50,5% tổng số ca tử vong do TNTT); tiếp đến là nguyên nhân khác với 3.575 trường hợp (chiếm 25,6%); Ngã với 2.725 trường hợp (chiếm 19,5%), do lực cơ học tác động với 2.118 trường hợp (chiếm 15,2%).
Đánh giá các địa điểm nguy cơ – xây dựng biển cảnh báo là một trong những nội dung trong xây dựng mô hình Cộng đồng an toàn.
Từ năm 2006, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về xây dựng Cộng đồng an toàn (CĐAT), phòng, chống TNTT: Quyết định số 170/QĐ-BYT ngày 17 tháng 01 năm 2006 về việc “ban hành hướng dẫn xây dựng CĐAT, phòng, chống TNTT”; Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 14 tháng 4 năm 2011 về việc “tăng cường công tác phòng, chống TNTT tại cộng đồng giai đoạn 2011-2015”; Quyết định số 1652/QĐ-BYT, ngày 23/3/2021 của Bộ Y tế về việc “Phê duyệt kế hoạch phòng, chống TNTT tại cộng đồng của ngành Y tế giai đoạn 2021-2025", vv… nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm, năng lực chỉ đạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong công tác phòng, chống TNTT; từng bước hạn chế TNTT, giảm gánh nặng xã hội do TNTT gây ra.
Kế thừa các giai đoạn 2011-2015, 2016-2020, ngày 06 tháng 6 năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 307/KH- UBND về việc Phòng, chống TNTT tại cộng đồng tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực của ngành Y tế trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai, giám sát các hoạt động phòng, chống TNTT tại cộng đồng; Củng cố và nhân rộng các mô hình CĐAT - phòng chống TNTT; Nâng cao năng lực sơ cấp cứu TNTT tại cộng đồng; Nâng cao năng lực ghi nhận, giám sát và báo cáo dữ liệu TNTT, từ đó nghiên cứu và sử dụng dữ liệu TNTT trong lập kế hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả các chương trình can thiệp; Nâng cao nhận thức của cộng đồng, sự ủng hộ của chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành liên quan về tầm quan trọng, các biện pháp can thiệp hiệu quả trong phòng, chống TNTT.
Năm 2025 là năm đánh giá tổng kết hoạt động giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch CVOID-19, công tác phòng chống TNTT bị ảnh hưởng, gián đoạn. Theo báo cáo đánh giá giám sát các hoạt động về phòng chống TNTT, xây dựng CĐAT tháng 11/2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, ghi nhận một số khó khăn, tồn tại như: nguồn kinh phí được giao để triển khai xây dựng CĐAT, phòng chống TNTT rất hạn chế, tại tuyến xã chưa có nguồn kinh phí để triển khai hoạt động này; mạng lưới cán bộ làm công tác phòng, chống TNTT các tuyến thường xuyên thay đổi, thiếu kinh nghiệm; Ban chỉ đạo Phòng, chống TNTT huyện, xã chưa phát huy hết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động phòng, chống TNTT. Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành, huy động sức mạnh cộng đồng trong hoạt động phòng, chống TNTT còn rất hạn chế. Các xã, phường được chọn để xây dựng mô hình CĐAT còn “mơ hồ” về quy trình xây dựng CĐAT, chưa triển khai được các hoạt động cụ thể.
Theo đăng ký của các địa phương, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Đăk Nông có 09 mô hình CĐAT bao gồm: xã Trúc Sơn (huyện Cư Jút), xã Đắk N’DRót và xã Đắk Sắk (huyện Đăk Mil); xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song); xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức); xã Nghĩa thắng (huyện Đắk R’Lấp); xã Đắk P’Lao (huyện Đắk Glong); xã Đắk R’Moan và xã Nghĩa Phú (thành phố Gia Nghĩa).
Để xây dựng thành công các mô hình, tiến tới nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, các địa phương cần gấp rút triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết, triển khai thực hiện quy trình xây dựng CĐAT đến xã, phường bám sát theo hướng dẫn tại Quyết định số 170/QĐ-BYT ngày 17/01/2006 của Bộ Y tế, củng cố hồ sơ công nhận. Đồng thời, huy động sự phối hợp của các tổ chức kinh tế, xã hội, Phòng, Ban, các nguồn lực trong việc xây dựng CĐAT, phòng, chống TNTT, tiến tới công nhận CĐAT trong năm 2025./.