Tăng cường truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản
Những năm qua tại tỉnh Đắk Nông, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản đã đạt được những kết quả khá khả quan. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản hiệu quả, đã góp phần giảm tỷ lệ tai biến sản khoa và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, mạng lưới truyền thông y tế toàn tuyến đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi và các buổi họp thôn, xóm, tổ, chi hội phụ nữ... thu hút được hàng nghìn lượt người tham gia. Đội ngũ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số tại các xã vùng sâu, vùng khó khăn đã tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên tư vấn cho các bà mẹ về chăm sóc sức khỏe thiết yếu trong suốt thời gian mang thai, sinh nở, nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là một trong những hoạt động của Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các đối tượng được thụ hưởng là người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi.
Truyền thông cho bà mẹ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ tại cộng đồng năm 2024
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có 2620 bà mẹ mang thai được quản lý thai nghén; Bà mẹ đẻ được khám thai 4 lần trên thai kỳ đạt trên 61,2 %. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ, đạt 97,8 %. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế, đặc biệt là dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản các tuyến còn nhiều biến động do chuyển công tác, luân chuyển vị trí việc làm theo nhu cầu của các cơ sở y tế, cán bộ mới tiếp nhận vị trí công tác lại chưa được đào tạo, vì vậy chất lượng chuyên môn của cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản là không đồng đều.
Thời gian tới ngành Y tế tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chú trọng dịch vụ dành cho người cao tuổi, trẻ vị thành niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Tiếp tục thực hiện đào tạo và tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên tuyến cơ sở để triển khai thêm nhiều hoạt động tại địa bàn họ quản lý. Các cấp, các ngành cần phối hợp cùng nhau tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về nâng cao sức khỏe Bà mẹ, cải thiện sức khỏe sinh sản vị thành niên, giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em, kiểm soát gia tăng tỷ số giới tính khi sinh.