Tăng thuế thuốc lá để đạt được các mục tiêu sức khỏe đã đề ra
Việt Nam hiện nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Theo điều tra của WHO năm 2021, Việt Nam có hơn 15 triệu người hút thuốc, trong đó tỉ lệ hút thuốc trong nam giới là trên 41%. Đa số người hút thuốc ở Việt Nam trong nhóm từ 15 - 55 tuổi là lực lượng lao động chính trong xã hội. Theo Báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế năm 2022, ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do hút thuốc lá chủ động và do tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hàng năm ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm tỉ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam xuống dưới 36% nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và giảm thiểu những tác động tiêu cực của tiêu dùng thuốc lá lên sức khỏe và nền kinh tế.
Tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá là biện pháp đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Thuế cao hơn làm tăng giá thuốc lá khiến một bộ phận người hút thuốc lá bỏ thuốc, hoặc giảm số lượng điếu hút và ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc, đặc biệt là trong giới trẻ. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp dụng đối với một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước cần định hướng, điều tiết sản xuất và tiêu dùng. Thuốc lá là một trong những mặt hàng chịu thuế TTĐB do tác hại nghiêm trọng của nó đối với sức khỏe con người, với kinh tế và xã hội nhằm điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng với mặt hàng này. Tuy nhiên, hiện nay, thuế thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ chiếm 36% trên giá bán lẻ của sản phẩm, các lần tăng thuế đều đã quá lâu và mức tăng thuế rất thấp, chỉ khoảng 5% cho mỗi lần tăng, trong khi lạm phát trung bình là 4% và thu nhập tăng trung bình là 5%. Vì vậy việc tăng thuế có tác động, nhưng rất ít tới tiêu dùng.
Tăng thuế cũng như cải cách hệ thống thuế thuốc lá là nhất quán với các định hướng và chiến lược của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về nâng cao sức khỏe, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 về cải cách thuế và phục hồi kinh tế, cũng như các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/05/2023.
Để đảm bảo hiệu quả của tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân cũng như đạt được các mục tiêu giảm hút thuốc đề ra trong Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, có thể xem xét một số phương án như sau:
Thứ nhất: Giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75% hiện nay và áp dụng thuế tuyệt đối theo lộ trình để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030 theo khuyến nghị của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Mức tăng này mới đảm bảo đạt được các mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc trong nam giới ở Việt Nam xuống dưới 36% vào năm 2030 như đã nêu trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Nếu áp dụng theo phương pháp này, tổng số người hút thuốc ở Việt Nam sẽ giảm 3,2 triệu người hút thuốc vào năm 2030 so với kịch bản không tăng thuế và giảm nhiều gấp 3 lần phương án hiện nay đưa ra trong dự thảo Luật thuế sửa đổi bổ sung. Bên cạnh đó còn làm tăng số thu thuế thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng từ 17,4 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên 46,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 (tăng thêm 29 nghìn tỷ đồng). Mức tăng này cao hơn so với mức tăng theo phương án của Bộ Tài chính là gần 10 nghìn tỷ đồng
Thứ hai: Áp dụng ngay mức tăng thuế này vào năm 2026 thì mới đảm bảo đạt được mục tiêu giảm người dùng thuốc lá vào năm 2030.
Trong bối cảnh nước ta đang cần thêm nguồn lực để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, việc điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại lợi ích kép: vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân và vừa tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2019 cho thấy phần lớn dân số và đặc biệt là người nghèo được hưởng lợi khi tăng thuế và tăng giá các sản phẩm thuốc lá. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng thuế đối với thuốc lá làm giảm gánh nặng bệnh tật, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc. Chính sách này giúp thúc đẩy các nhóm có thu nhập thấp giảm lượng tiêu thụ thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ, đồng thời có khả năng đầu tư thêm nguồn thu thuế vào các chương trình xã hội và y tế cùng những tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá./.