A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thuốc lá điện tử đang xâm nhập mạnh mẽ vào lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo số liệu thống kê về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ 2 người có 1 người hút thuốc. Bên cạnh đó, có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những toàn nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá.

Tại tỉnh Đăk Nông, theo kết quả điều tra hút thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020 của Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá chiếm 45,8% và ở nữ giới chiếm 1,2%. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm nhân viên làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước chiếm 21,2% và nhóm lao động tự do chiếm 25,8%. Gần ½ số người hút thuốc lá trong độ tuổi lao động (25-64 tuổi). 47,3% dân số 15 tuổi trở lên bị phơi nhiễm bởi hút thuốc lá thụ động trong nhà. Phơi nhiễm thuốc lá tại nơi công cộng còn khá phổ biến, chiếm 92,7% ở tại các quán bar, cà phê; 78% tại các nhà hàng; 56,1% tại các khách sạn, 30,2% tại các cơ quan nhà nước, 27,6% tại các cơ sở y tế và 24,5% tại các trường học.

Qua số liệu trên cho thấy, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá từ 15 tuổi trở lên khá cao. Trong đó, sẽ có các đối tượng là học sinh, vị thành niên sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử trong môi trường học đường. Thuốc lá điện tử là loại mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử có hệ thống pin sạc làm nóng dung dịch lỏng hòa tan. Chất lỏng sau khi đốt cháy sẽ biến thành một luồng khói có hương thơm và có chứa nicotine để người sử dụng hít vào luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. Nhiều người vẫn lầm tưởng thuốc lá điện tử không gây hại vì khi hút vài không tỏa ra khói hay chứa mùi khó chịu như hút thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của sản phẩm này chẳng kém gì thuốc lá điếu thông thường.

Để thu hút người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng học sinh, thanh thiếu niên ngành công nghiệp thuốc lá đã nghiên cứu và dần chuyển đổi từ sản xuất thuốc lá truyền thống sang sản xuất thuốc lá điện tử, shisha, thuốc lá nung nóng…với tên gọi chung là thuốc lá thế hệ mới. Hiện nay thuốc lá điện tử đang ngày càng xâm nhập vào các trường học bằng cách giả dạng son môi, USB, bút hoặc dạng hình khẩu súng hoặc trá hình dưới dạng một số loại đồ chơi của trẻ em với nhiều hương vị hấp dẫn. Thuốc lá điện tử đã gây ảnh hưởng xấu đến hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh.

Hút thuốc lá điện tử có thể gây viêm phổi cho người sử dụng bởi các hóa chất hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thuốc lá điện tử còn gây ảnh hưởng đến não và thận. Nguyên nhân chất lỏng trong thuốc lá điện tử khi bay hơi bị nhiễm với kim loại nặng từ cuộn dây trong thiết bị điện tử sẽ tạo ra các hợp chất gây nguy hại cho cơ thể. Các kim loại độc hại như chì sẽ dễ dàng tích tụ trong cơ thể gây tổn thương cho não, thận và các cơ quan quan trọng khác. Hút thuốc lá điện tử còn gây nghiện bởi thuốc lá có chưa chất nicotine là chất gây nghiện, người sử dụng bắt buộc phải dùng tiếp nếu không sẽ có cảm giác khó chịu, không dứt ra được. Nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ của trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, và suy giảm miễn dịch, sức đề kháng. Nicotine trong thuốc lá điện tử còn có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và thấm chí mắc bệnh về tim mạch. Đồng thời, thuốc lá điện tử có thể làm tăng nguy cơ chấn thương bởi pin để làm nóng cuộn dây và tạo ra khói. Nếu trong quá trình sử dụng pin bị hỏng sẽ làm thiết bị thuốc lá quá nóng, dễ bị bắt lửa hoặc thậm chí phát nổ. Thuốc lá điện tử khiến cho hơi thở có mùi, nghiêm trọng hơn có thể gây ung thư, đột quỵ, hen.

Để phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đặc biệt đối với học sinh cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý kịp thời, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử. Tuyên truyền, vận động và định hướng các em học sinh nhận thức được tác hại cảu thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân từ đó thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp. Đồng thời, để đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường các trường học cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức của học sinh về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá./.


Tác giả: Khoa TTGDSK

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website