A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêm vắc xin - biện pháp đơn giản, hiệu quả phòng ngừa bệnh thủy đậu

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến ngày 15/3/2023, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông ghi nhận 63 ca mắc thủy đậu tại 6/8 huyện, thành phố. Cụ thể, huyện Đăk Song ghi nhận 42 ca mắc (chiếm 66,7%), huyện Đăk Glong 08 ca (chiếm 12,7%), Cư Jut 07 ca (chiếm 11,1%), Đăk R’Lấp 04 ca (chiếm 6,3%) và Đăk Mil 01 ca (chiếm 1,6%). Riêng trên địa bàn huyện Krông Nô và TP Gia Nghĩa chưa ghi nhận ca mắc. Toàn tỉnh đã xuất hiện 4 ổ dịch, huyện Đăk Song 03 và huyện Đăk Glong  01.

Ảnh minh hoạ từ internet

Tại huyện Đăk Song, bệnh thủy đậu bùng phát thành 02 ổ dịch tại trường THPT Phan Đình Phùng - xã Đăk N’Drung và trường Mầm Non Hoa Hồng - xã Trường Xuân. 01 ổ dịch trong cộng đồng ghi nhận tại thôn 4 - xã Nâm N’Jang. Ổ dịch tại trường THPT Phan Đình Phùng ghi nhận ca bệnh đầu tiên là học sinh nữ, 17 tuổi. Bệnh nhân chưa từng mắc thủy đậu và chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu. Bệnh khởi phát với các triệu chứng nổi ban dạng bọng nước ở mặt, cổ nên được ngời nhà đưa đến khám tại phòng khám đa khoa Tâm Phúc - huyện Đăk Mil. Ngay khi được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu, bệnh nhân đã thông báo đến giáo viên chủ nhiệm, xin phép nghỉ học và tự điều trị, cách ly tại nhà. Sau khi các nốt ban dạng bóng nước khô và bong tróc hoàn toàn bệnh nhân đã đi học bình thường. Tuy nhiên, sau đó, lớp học của bệnh nhân ghi nhận thêm 02 ca mắc thủy đậu và có tiền sử chưa từng mắc bệnh thủy đậu cũng như chưa tiêm vắc xin.

Tại ổ dịch ở phân hiệu trường mầm non Hoa Hồng, xã Trường Xuân ghi nhận ca mắc bệnh đầu tiên là bé gái lớp Lá. Cháu chưa từng mắc thủy đậu hay tiêm vắc xin phòng thủy đậu trước đây. Khi mắc bệnh, cháu có các triệu chứng như sốt, nổi ban dạng bóng nước ở mặt, cổ và lưng nên được người nhà cho nghỉ học và tự điều trị tại nhà. Cùng lúc đó, chung lớp học với cháu có thêm 15 học sinh nghỉ học do sốt, nổi ban dạng mụn nước và đều được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu. Đồng thời, địa phương cũng đã ghi nhận thêm 02 ca mắc thủy đậu là hàng xóm của bệnh nhân học lớp Lá nói trên. Theo điều tra dịch tễ của cán bộ y tế địa phương, trong tổng số 18 ca mắc ghi nhận liên quan đến ổ dịch trường mầm non Hoa Hồng có tới 17/18 ca (chiếm 94,4%) chưa từng mắc thủy đậu và chưa tiêm vắc xin phòng thủy đậu trước đây, số ca mắc thủy đậu đa số đều không có tiền sử tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bệnh thủy đậu có tính chất lây lan nhanh nên nếu một người trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh thì nguy cơ lây bệnh sang cho các thành viên khác trong gia đình là rất cao. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu sớm đang là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa mắc và lây lan dịch bệnh. Vắc xin không chỉ ngăn ngừa tiến triển nặng ở trẻ em khỏe mạnh mà còn bảo vệ những trẻ có nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả những trẻ bị suy giảm miễn dịch. Hiện nay, vắc xin tiêm phòng bệnh thủy đậu không thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mà vắc xin được triển khai tiêm tại các phòng tiêm dịch vụ. Vắc xin phòng thủy đậu có thể tiêm được tất cả các đối tượng, tuy nhiên, vắc xin được dung nạp tốt nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Lịch tiêm chủng đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi, tiêm 01 mũi và từ 13 tuổi trở lên tiêm mũi đầu tiên vào ngày đã chọn, mũi 2 sẽ tiêm cách mũi 1 từ 4 đến 8 tuần sau đó. Sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu thường có các phản ứng như sốt, đau, sưng tại chỗ tiêm và có thể xảy ra một số phản ứng nặng như phản vệ (hiếm gặp), viêm mũi họng, viêm phổi, nôn, phát ban giống thủy đậu, co giật... .Những người đã dùng thuốc glubulin miễn dịch hay truyền máu nên hoãn tiêm vắc xin phòng thuỷ đậu ít nhất trong 3 tháng. Tránh dùng  thuốc salicylate trong 6 tuần sau tiêm vắc xin thủy đậu. Đồng thời, một số trường hợp cần được khám kỹ lưỡng trước khi tiêm vắc xin như những người đang mắc bệnh tim mạch, thận, gan hoặc bệnh về máu, các bệnh có tiến triển bất thường; những người có tiền sử co giật; những người mà trong vòng 2 ngày trước khi tiêm bị sốt hay bị các triệu chứng như phát ban, biểu hiện tình trạng dị ứng.../.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website