A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêm vắc-xin Covid-19 giảm nguy cơ nhập viện

Càng lớn tuổi sức khỏe càng suy giảm và dễ mắc các bệnh mãn tính. Trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hàng ngàn bệnh nhân là những người lớn tuổi, đặc biệt người lớn tuổi có bệnh nền. Tỉnh Đăk Nông, tính đến thời điểm này có 49 trường hợp tử vong do Covid-19 trong đó có đến 94% người từ 50 tuổi trở lên. Việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh đã giúp ngăn chặn làn sóng tử vong do Covid-19 trên diện rộng ở mọi lứa tuổi. Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mà đến nay số người mắc bệnh rất thấp, đặc biệt hầu như không còn tình trạng bệnh nặng phải nhập viện, nhất là ở người lớn tuổi – đối tượng dễ tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19.

Người trưởng thành được tiêm 1 mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 có nguy cơ phải đặt máy thở hoặc tử vong do Covid-19 thấp hơn 94% so với người trưởng thành không được tiêm vắc xin

Người lớn tuổi tăng nguy cơ mắc bệnh nặng do Covid-19

Độ tuổi càng cao thì sức đề kháng càng giảm do các cơ quan trong cơ thể có sự thoái hóa, suy giảm chức năng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu dần. Đây là lý do khiến người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc chống lại mầm bệnh. Đối với dịch bệnh Covid-19, vi rút Sar CoV2 tấn công vào cơ thể người gây tổn thương viêm đặc hiệu ở đường hô hấp với các triệu chứng cấp tính như ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong. Đặc biệt ở những người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch thì quá trình này càng diễn ra nhanh chóng, nguy cơ tử vong càng cao.

Theo đó, người lớn tuổi có nhiều khả năng bị bệnh nặng do Covid-19. Mắc bệnh nặng có nghĩa là người lớn tuổi bị Covid-19 có thể cần nhập viện, chăm sóc đặc biệt hoặc thở máy, thậm chí có thể tử vong. Nguy cơ bị Covid-19 nặng, phải nhập viện càng gia tăng đối với những người ở độ tuổi 50 trở lên và càng khó khăn ở độ tuổi 60, 70 và 80. Những người 85 tuổi trở lên là những người có khả năng bị Covid-19 nặng nhất, ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể khiến người lớn tuổi có nhiều khả năng bị bệnh nặng với Covid-19, như mắc một số bệnh lý nền tiềm ẩn như tăng huyết áp, đái tháo đường, guot, ung thư, dạ dày... .  

Thực tế, trong số 49 bệnh nhân tử vong do Covid-19 trên toàn tỉnh, có đến 45/49 người trên 50 tuổi (chiếm gần 94% tổng số bệnh nhân) và 32/45/49 người lớn tuổi có bệnh nền lâu năm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, rối loạn lipid máu, béo phì, thoái hóa cột sống, xơ gan…(chiếm 65%). Tất cả 49 trường hợp tử vong nói trên đều có triệu chứng nặng và trút hơi thở cuối cùng cô độc trong bệnh viện ở thời điểm thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh và đợt đỉnh cao bùng phát dịch Covid-19 của tỉnh Đăk Nông.

Tiêm phòng giúp giảm nguy cơ nhập viện

Hầu hết bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại tỉnh Đăk Nông đều từ thời điểm cuối năm 2021 đến 3 tháng đầu năm 2022, bước sang tháng 4/2022 chỉ có 2/49 nạn nhân mất vào các ngày 02 và 06/4/2022. Vắc xin phòng Covid-19 được sản xuấtđưa vào thử nghiệm ở một số nước trên thế giới vào tháng 11/2020. Sau đó, tháng 3/2022, Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau đã huy động được lượng vắc xin vừa đủ để lần lượt tổ chức tiêm cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có người già và người có bệnh nền. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 dành cho 11 đối tượng ưu tiên bắt đầu triển khai đồng loạt trên toàn quốc vào tháng 3/2022 đã nhanh chóng đem lại tín hiệu tích cực cho công tác phòng chống dịch. Đăk Nông không nằm ngoài quỹ đạo đó, nhờ triển khai tốt công tác tiếp nhận, bảo quản và tổ chức tiêm chủng, lần lượt người dân được tiêm các mũi vắc xin cần thiết và sau đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 dù chưa giảm ngay tức thời nhưng số người mắc bệnh nặng phải nhập viện đã giảm hẳn kéo theo việc không còn ai tử vong do bị bệnh. Điều này chính là minh chứng sinh động cho thấy hiệu quả tích cực mà việc tiêm chủng vắc xin mang lại không chỉ trên thế giới nói chung mà tại Việt Nam cũng như tỉnh Đăk Nông nói riêng.

          Mũi nhắc lại vắc xin Covid-19 giúp tăng khả năng bảo vệ         

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), người trưởng thành được tiêm 1 mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 có nguy cơ phải đặt máy thở hoặc tử vong do Covid-19 thấp hơn 94% so với người trưởng thành không được tiêm vắc xin. Thực tế đã chứng minh vắc xin Covid-19 có hiệu quả thiết thực trong việc giảm số ca bệnh nặng cũng như giảm mạnh số ca nhập viện do nhiễm Covid-19, và tất yếu giảm các trường hợp tử vong. Đặc biệt hơn, vắc xin Covid-19 có vai trò quan trọng đối với nhóm người dễ tổn thương như người già, phụ nữ có thai và những người có bệnh nền. Tuy nhiên hiện nay, khi đại dịch vẫn chưa kết thúc và nhiều biến chủng vi rút mới xuất hiện, tình trạng tái nhiễm Covid-19 ngày càng phổ biến đặt ra yêu cầu cần bổ sung một lượng kháng thể nhất định nhằm duy trì khả năng chống lại vi rút xâm nhập. Việc tiêm nhắc các mũi vắc xin Covid-19 đặt ra bức thiết và có ý nghĩa bảo vệ cơ thể khi công hiệu của 2 mũi đầu tiên đã giảm theo thời gian. Và hơn vậy, theo Tổ chức y tế thế giới, mũi nhắc lại đặc biệt quan trọng đối với biến thể Omicrom – chủng vi rút đang thống trị tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả người đã từng nhiễm những chủng vi rút khác trước đây cũng cần được tiêm nhắc lại.

Các mũi nhắc lại bao gồm mũi nhắc lại thứ nhất (mũi thứ 3) cho tất cả người từ 12 tuổi trở lên và mũi nhắc lại thứ hai (mũi thứ 4) cho người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên, người bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng từ 18 tuổi  trở lên; người có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên như cán bộ y tế và lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân trong các khu công nghiệp.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website