A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêm vắc xin phòng dại là cách duy nhất để tránh khỏi bệnh dại

Bệnh Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, một khi đã lên cơn dại, kể cả là động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn. Hiện nay chưa thuốc điều trị hiệu quả khi bệnh dại xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh Dại là bệnh do vi rút gây ra, hầu như luôn gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người. Hàng năm, căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 – 70.000 người và hàng triệu loài động vật trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, bệnh Dại là nguyên nhân gây ra khoảng hơn 70 trường hợp tử vong mỗi năm. Hiện nay, nhiều người còn chưa hiểu rõ về bệnh dại và rất chủ quan nên sau khi bị phơi nhiễm vẫn không tiêm vắc xin và trung hòa độc tố của vi rút nên đã để lại hậu quả nghiêm trọng.

          Tại Đắk Nông, từ năm 2016 – 2020, toàn tỉnh ghi nhận 08 ổ dịch Dại trên động vật và 04 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Nguyên nhân tử vong là do người bị chó dại căn tiếp cận dịch vụ y tế muộn, không tiêm vắc xin phòng chống bệnh Dại và còn tin vào các bài thuốc nam không có cơ sở.

          Thạc sỹ, Bác sỹ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế Đắk G’Long cho biết: “Đắk G’Long là địa phương ghi nhận 03 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Qua ghi nhận, cho thấy tình trạng người dân địa phương nuôi chó thả rông mà không rọ mõm, né tránh không tiêm phòng cho vật nuôi (chó/mèo). Ngoài ra, người dân còn có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng khi bị chó cắn nên một số trường hợp dẫn đến hậu quả đau lòng”.

          Vi rút Rabies gây bệnh Dại có trong nước bọt của những động vật mắc bệnh dại. Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm bệnh dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn, cào gây xước hoặc vết trầy xước trên da. Trong một vài trường hợp, bệnh dại có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở hoặc niêm mạc mắt, mũi, miệng. Động vật bị nhiễm bệnh dại nhưng vẫn còn trong giai đoạn ủ bệnh, chưa xuất hiện triệu chứng, nếu nước bọt của động vật đó tiếp xúc với vết thương hở trên da cũng có thể lây bệnh cho người bị tiếp xúc. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở chồn, dơi và các động vật có vú khác. Ngay khi xâm nhập vào cơ thể, virus dại hướng đến các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, tứ chi, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Khi đã lên cơn Dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương – Thư ký chương trình Phòng chống Dại Quốc gia- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Khi bị chó, mèo cắn, cào, để lại vết thương chảy máu, người dân hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng Dại. Tuyệt đối không tìm đến các bài thuốc nam, bởi thuốc nam vô hiệu với bệnh Dại.”

          Người dân thường ngại đến cơ sở y tế khi bị chó, mèo cắn là do nghi ngờ vắc xin phòng chống bệnh Dại gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ em. Do đó, khi bị chó, mèo cắn, người dân thường ngại tiêm vắc xin. Vậy, thực hư về thông tin này như thế nào? Tại Hội thảo truyền thông phòng chống bệnh Dại vừa diễn ra tại tỉnh Đắk Nông, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương Thư ký chương trình Phòng chống Dại Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: “Hiện nay, vắc xin phòng chống bệnh Dại là loại vắc xin được nhập khẩu, tính an toàn vô cùng cao, không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêm. Vắc xin phòng chống Dại an toàn đến mức có thể tiêm phòng như các loại vắc xin khác”.

          Thói quen nuôi chó giữ nhà mà không tiêm vắc xin cho đàn chó; chó thả rông mà không rọ mõm; bị chó cắn, mèo cào mà không đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại… Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm bởi bệnh Dại. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi bị chó, mèo cắn chảy máu hoặc bị chó, mèo liếm trên da có vết thương hở, chúng ta cần phải rửa sạch ngay vết thương bằng nước và xà phòng hoặc dầu gội đầu, sữa tắm rồi bôi chất sát khuẩn như cồn, I ốt. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được bác sỹ tư vấn tiêm vắc xin phòng dại. Hãy nhớ, tiêm vắc xin phòng dại là cách duy nhất để tránh khỏi bệnh Dại./.


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website